Thay vì các cuộc đụng độ “đẫm máu” như trước đây, chiến trường Syria những ngày qua dịu lại bằng nhiều thỏa thuận được ký kết thông qua đàm phán giữa Chính phủ và các phe đối lập.

phien_quan_ghouta_1_krec_ztle.jpg
Phiến quân Syria đứng cạnh một chiếc xe bus trước khi di tản khỏi Đông Ghouta. Có lẽ vì lý do an toàn, các phiến quân này đã quấn khăn che nửa gương mặt của mình. Ảnh: Reuters

Trong đó, “địa ngục trần gian” Đông Ghouta đang đứng trước cơ hội được giải phóng hoàn toàn về tay Chính phủ của Tổng thống Bashar Al Assad, khi mà các nhóm phiến quân nổi dậy tại đây lần lượt chấp thuận “rút lui”. Với các chiến thắng “lịch sử” quan trọng, Chính phủ Syria đang tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo đất nước của mình trong 7 năm xảy ra xung đột.

Ngày 30/3, quân đội Nga thông báo đã đạt được một thỏa thuận sơ tán với nhóm phiến quân tại thị trấn Douma, tại Đông Ghouta. Đây là khu vực cuối cùng tại Đông Ghouta bị nhóm phiến quân Jaish al-Islam kiểm soát.

Chỉ huy chiến dịch của Bộ tham mưu Nga, Trung tướng Sergei Rudskoi cho biết: “Các thỏa thuận đã đạt được với người đứng đầu các nhóm vũ trang bất hợp pháp về việc sơ tán các tay súng và gia đình của họ ra khỏi thị trấn Houma. Những nỗ lực hướng đến ổn định và đưa dân thường quay trở lại nhà của họ cũng được Trung tâm hòa giải của Nga thực hiện tại các khu vực khác của Syria”.

Dù không được phiến quân lên tiếng thừa nhận, song giới quan sát cho rằng, chiến thắng tại Đông Ghouta đang trong tầm tay của nhà lãnh đạo Syria Al Assad.

Theo hãng truyền thông nhà nước Syria, cho đến ngày 30/3, các tay súng đối lập và gia đình của họ vẫn tiếp tục lên những chiếc xe bus để rời khỏi Đông Ghouta trong “hòa bình”.

Các cuộc sơ tán của phe đối lập Syria diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố sẽ sớm rút quân đội tại Syria về nước. Không chỉ một lần, mà rất nhiều lần Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc tới việc rút quân khỏi Syria trong bài phát biểu của mình tại bang Ohio ngày 29/3 vừa qua.

“Mỹ đã lãng phí quá nhiều vào các cuộc chiến tại Trung Đông và tôi đã phản đối điều này ngay từ đầu. Chúng ta đã đánh bại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và chúng tôi sẽ sớm rút khỏi Syria để dành việc chăm lo đất nước này cho người khác. Chúng ta sẽ giành lại được 100% những vùng lãnh thổ bị nhóm khủng bố chiếm giữ. Chúng ta sẽ trở về đất nước mà chúng ta thuộc về và muốn thuộc về nó”, ông Trump nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia khu vực nhận định, việc Tổng thống Trump đề cập rút quân là lời khẳng định Mỹ đã “bỏ rơi” các phe đối lập Syria. Điều này đã được thể hiện rõ nhất bằng việc Mỹ đã để cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd tại Afrin. Đây vốn là một lực lượng mà Mỹ vẫn luôn ủng hộ và coi đây là lực lượng hoạt động hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.

Trong một phản ứng mới nhất về hành động rút quân của Mỹ, Thái tử Saudi Arabia, quốc gia luôn ủng hộ phe đối lập Syria, ông Mohammed bin Salman cho rằng, đây chưa phải thời điểm Mỹ nên rút quân. Tuy nhiên, người kế nhiệm chức vụ lãnh đạo của Saudi Arabia cũng bất ngờ thừa nhận việc Tổng thống Syria Bashar Al Assad khó có thể bị “lật đổ”.

Ông Mohammed hy vọng, Tổng thống Syria sẽ có thể vì lợi ích quốc gia mình, lãnh đạo đất nước để không trở thành một con rối của Iran-quốc gia “kình địch” của Saudi Arabia tại khu vực.

Do đó, về bản chất, Mỹ và Saudi Arabia dường như đã chấp nhận việc không thể thay đổi chính quyền của Tổng thống Syria Al Assad, sau gần 6 năm hỗ trợ quân sự và tài chính cho các nhóm đối lập tại quốc gia Trung Đông này./.