TheoCNN, liên quân do Mỹ dẫn đầu và các lực lượng Iraq vẫn đang nỗ lực chiến đấu để giành lại thành phố Fallujah từ tay IS. Một quan chức quân sự cấp cao của Iraq giấu tên cho biết, lực lượng an ninh Iraq đã cố gắng để thâm nhập thành phố này vào rạng sáng 31/5.

is2_oaiu.jpg
Quân đội Iraq đang đẩy mạnh chiến dịch tái chiếm Fallujah. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, các tay súng của IS sử dụng bom xe tự sát, súng phóng lựu và lực lượng bắn tỉa để đáp trả, ngăn bước tiến của quân đội Iraq. Đã có thiệt hại về người của lực lượng an ninh Iraq nhưng con số cụ thể không được tiết lộ.

Chiến trường đỏ lửa

Giao tranh dữ dội nhất được ghi nhận ở Nuaimiya - đây được cho là khu vực ranh giới giữa vùng do lực lượng an ninh Iraq kiểm soát với vùng bị IS chiếm đóng ở phía nam của Fallujah.

Trong các thông điệp được lan truyền trên mạng internet, IS “rêu rao” rằng chúng đã chặn đứng bước tiến của lực lượng an ninh Iraq ở phía nam Fallujah, giết chết 25 binh sĩ Iraq và phá hủy 6 xe quân sự. Tuy nhiên, CNN không thể xác nhận thông tin này.

Trong một đoạn băng video do Bộ Quốc phòng Iraq phát hành, Tướng Hamid al-Maliki hôm 30/5 tuyên bố, quân đội nước này đã thắt chặt vòng vây ở thành phố Fallujah và bắt đầu các hoạt động để tái chiếm thành phố.

Cùng thời điểm đó, xa hơn về phía Bắc, hàng nghìn dân quân người Kurd đang tham gia vào cuộc tấn công giành lại các ngôi làng quanh thành phố Mosul.

Trong một tuyên bố, Hội đồng An ninh Khu vực người Kurd cho biết, chiến dịch tấn công trên bộ do lực lượng người Kurd làm chủ lực được các máy bay chiến đấu của liên quân quốc tế yểm trợ. Chiến dịch này có sự tham gia của khoảng 5.500 chiến binh người Kurd với mục tiêu giành lại một số ngôi làng gần Khazir (phía Đông Mosul) từ tay IS.

Thành phố Mosul với dân số trước chiến tranh vào khoảng 2 triệu người là thành phố lớn nhất nằm trong tay IS. Hồi cuối năm 2015, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã bày tỏ hy vọng, chiến thắng cuối cùng trước IS sẽ tới vào năm 2016 với việc tái chiếm Mosul.

Trên thực tế, theo kế hoạch, lực lượng an ninh Iraq thực hiện các cuộc tấn công nhằm tái chiếm thành phố Mosul trước nhưng vì tiến độ chậm nên Mỹ muốn quân đội Iraq chuyển hướng sang mục tiêu là Fallujah.

Tướng Hamid al-Maliki tỏ ra lạc quan với mục tiêu này khi thông báo, lực lượng an ninh Iraq đã giành được quyền kiểm soát một số ngôi làng ở ngoại ô của Fallujah và sẽ sớm thực hiện kế hoạch tiến sâu vào trung tâm thành phố, quét sạch phiến quân IS ra khỏi khu vực này. Ông Maliki đồng thời nhận định, đây có thể là bước nguy hiểm nhất trong chiến dịch giành lại Fallujah.

Pháo binh Iraq khai hỏa trong chiến dịch tái chiếm Fallujah. (Ảnh: Getty)

Vẫn chưa biết độ nguy hiểm của hoạt động tái chiếm Fallujah đối với quân đội Iraq đến đâu, nhưng ngay từ lúc này người dân Fallujah đang phải đối mặt với nguy hiểm thực sự khi có hàng trăm gia đình bị IS sử dụng làm “lá chắn sống” ở trung tâm của Fallujah.

Thông báo của cơ quan về người tị nạn của Liên Hợp Quốc (UNHCR) hôm 31/5 cho biết, có khoảng 3.700 người đã tháo chạy khỏi Fallujah, phía tây Baghdad, trong tuần qua sau khi quân đội Iraq mở chiến dịch tấn công thành phố đang bị IS kiểm soát này.

“UNHCR tiếp nhận thông tin có dân thường thương vong ở trung tâm Fallujah do bị pháo kích dữ dội, trong đó có 7 người trong một gia đình, vào ngày 28/5”, William Spindler, người phát ngôn UNHCR, phát biểu trong một cuộc họp báo. “Có thông tin vài trăm gia đình đang bị IS sử dụng làm lá chắn sống”.

Hàng chục nghìn người “sống dở, chết dở” dưới làn đạn

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, hàng chục nghìn người sống trong thành phố Fallujah đang phải đối mặt với hiểm nguy khi những cuộc giao tranh diễn ra ngay bên thềm nhà họ. Thực tế là đã có thông tin về việc IS sẵn sàng hành quyết những người đàn ông hay những cậu bé từ chối chiến đấu cho chúng.

Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng, có khoảng 50.000 người phải đối mặt với nguy cơ bị bắt ở những vùng chiến sự nơi quân đội Iraq tăng cường hoạt động.

Leila Jane Nassif, trợ lý đại diện các cơ quan của Liên Hợp Quốc tại Iraq cho biết: “Đã có những báo cáo về sự gia tăng đáng kể số lượng các vụ hành quyết những người đàn ông và thiếu niên nam ở Fallujah chỉ vị họ từ chối chiến đấu cho các lực lượng cực đoan.

Rocket của lực lượng an ninh Iraq khai hỏa. (Ảnh: Getty)

Nhiều người bị giết hoặc bị chôn sống ngay dưới đống đổ nát trong ngôi nhà của họ trong quá trình diễn ra các hoạt động quân sự”.

Trong khi đó, quân đội Iraq cho biết, hàng trăm người trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em đã chạy khỏi Fallujah trước khi các hoạt động quân sự của lực lượng an ninh Iraq diễn ra.

Tuy nhiên, con số này được cho là “không thấm vào đâu” và những người ở lại vẫn đang sống trong ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.

“Thực phẩm rất khan hiếm. Chúng tôi chủ yếu chỉ biết chạy ăn từng bữa chứ không dám nghĩ đến ngày hôm sau”, chị Um Ahmed, 40 tuổi hiện đang sống cùng gia đình ở Fallujah nói.

Báo cáo của Hội đồng tị nạn quốc gia Na Uy cho rằng, các cư dân của Fallujah đã và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thiếu điện, thiếu cả các dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản khi những bệnh viện đều không có đủ trang thiết bị vật tư cần thiết.

Giám đốc hội đồng tị nạn quốc gia của Na Uy ở Iraq Nasr Muflahi cho biết:"Chúng tôi đang làm việc ngày đêm trong các trại tạm trú để cung cấp nước và khẩu phần ăn cho những người chạy trốn bạo lực.

Với mỗi phút giây trôi qua, nhu cầu đảm bảo an toàn cho họ (người dân Fallujah) lại trở nên quan trọng hơn. Giờ đây việc tiếp cận những người dân vô tội sống ở khu vực trung tâm thành phố gần như là điều không thể”.

Khó khăn là vậy, tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, ngay cả khi có giải phóng được thành phố Fallujah, chính quyền Iraq sẽ phải đối mặt với một loạt những thách thức mới. Trong đó bao gồm việc giải quyết các vấn đề xã hội, chính trị vốn dẫn đến sự trỗi dậy của IS bên cạnh các vấn đề về an ninh./.