Không thể đàm phán lại

Trong thông cáo chung được đưa ra, 3 nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italy, Paolo Gentiloni, tuyên bố: “Chúng tôi biết được quyết định này của Hoa Kỳ với sự tiếc nuối. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng thoả thuận này sẽ không thể đàm phán lại”.

merkel_ap_photo_qupg.jpg
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AP.

Phản ứng mạnh nhất đến từ Pháp, nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh khí hậu 2015 và cũng là nước vận động tích cực nhất để Thoả thuận Paris được hoàn tất cuối 2016. Trong bài phát biểu bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh ngay sau khi nhận tin từ Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã dùng những từ ngữ khá gay gắt khi công kích quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump là “một sai lầm nghiêm trọng”.

Lỗi lầm đối với hành tinh

“Đó còn là một lỗi lầm đối với tương lai của hành tinh chúng ta” – ông Macron tuyên bố. Tân Tổng thống Pháp cũng kêu gọi các nhà khoa học và kỹ sư Mỹ  trong lĩnh vực khí hậu đến Pháp sinh sống và làm việc. “Ở Pháp, họ sẽ tìm thấy quê hương thứ hai của mình và tìm thấy những giải pháp cụ thể”.

Ông Macron cũng cho biết ông đã điện đàm trực tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong khoảng 5 phút và cho biết hai bên đã đồng ý có thể thảo luận thêm nhưng sẽ không có chuyện đàm phán lại Thoả thuận Paris.

“Tôi nói với ông ấy một cách mạnh mẽ. Chúng ta sẽ không đàm phán lại một thoả thuận ít tham vọng hơn. Ông ấy (Donald Trump) đã phạm một sai lầm đối với lợi ích của nhân dân và đất nước của ông ấy. Tôi muốn nói với nước Mỹ rằng: nước Pháp tin tưởng vào các bạn, thế giới tin tưởng vào các bạn. Đừng nhầm lẫn, với vấn đề khí hậu, không có phương án B bởi lẽ không có trái đất B”.

Từ Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận xét quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ “gây hại cho toàn thế giới” và kêu gọi tất cả các nước “tiếp tục theo đuổi chính sách về khí hậu để bảo vệ trái đất”.

Từ London, nữ Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump và cho biết ủng hộ việc tiếp tục thực hiện Thoả thuận Paris. “Thoả thuận này sẽ bảo vệ sự phồn vinh và sự an toàn cho các thế hệ tương lai, đồng thời đảm bảo việc tiếp cận với năng lượng của tất cả các công dân và doanh nghiệp của chúng ta” – thông cáo từ Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết.

Sai lầm nghiêm trọng

Các quan chức của Liên minh châu Âu cũng đồng loạt chỉ trích quyết định từ phía Mỹ. Uỷ viên châu Âu phụ trách Hành động vì khí hậu, Miguel Arias Canete cho biết “châu Âu tiếc nuối sâu sắc vì quyết định đơn phương của chính quyền Tổng thống Trump, nhưng Thoả thuận Paris sẽ tiếp tục tồn tại và thế giới có thể tin tưởng vào châu Âu”.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Jean-Claude Juncker thì chỉ nhận xét ngắn gọn rằng quyết định từ phía Mỹ là “sai lầm nghiêm trọng”.

Thoả thuận Paris, được hoàn tất cuối năm 2015, đặt mục tiêu kiểm soát việc nhiệt độ trung bình trên trái đất vào cuối thế kỷ này sẽ không tăng quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, các nước ký kết phải cam kết thực hiện hàng loạt những biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Mỹ là nước phát ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc, quốc gia tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Thoả thuận Paris./.