Từ lúc đóng cửa các hòm phiếu lúc 12 giờ đêm (giờ Anh, tức 6h sáng giờ Việt nam) cho đến gần 3 giờ sáng, vẫn chỉ có các dự đoán nhờ điều tra dư luận sau bầu cử được công bố. Nước Anh và cả châu Âu đang thức chờ kết quả bầu cử Anh.
Dự đoán của điều tra cử tri – Không đảm bảo chính xác
Theo dự đoán dựa vào cuộc điều tra cử tri sau bỏ phiếu thì đảng Bảo Thủ được 316 ghế và đảng đối lập chính là Công Đảng đứng thứ hai với khoảng cách khá xa là 239 ghế. Đảng Tự do dân chủ, cùng thuộc liên minh cầm quyền với đảng Bảo thủ từ 5 năm qua, được dự đoán giành được 10 ghế.
Nếu kết quả điều tra là đúng, với 326 ghế mà đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ tự do giành được, Thủ tướng David Cameron có thể tiếp tục lãnh đạo chính phủ, nếu giành thêm được sự ủng hộ của một đảng nhỏ khác.
Tuy nhiên, các cuộc điều tra dư luận sau bỏ phiếu không phải kết quả chính thức và không thể đảm bảo chính xác. Bộ trưởng Michael Gove cũng tuyên bố, nếu cuộc điều tra là đúng, thì đảng Bảo thủ đã giành chiến thắng rõ ràng.
Do các cuộc điều tra dư luận sau bầu cử rất phức tạp và không đảm bảo chính xác, nên vào lúc này, cả châu Âu và nước Anh đều thức trắng để chờ đợi kết quả sơ bộ rồi kết quả cuối cùng.
Trước đó, tờ Financial Times cũng dự đoán cuộc bầu cử ngày 7/5 tại Anh là cuộc bầu cử “khó dự đoán nhất” trong thời đại ngày nay.
Tuy nhiên, quyết định thực sự của cử tri Anh thì chúng ta còn phải chờ kết quả sẽ được công bố trong vài giờ tới. Vào lúc này thì các trang báo của Anh như tờ The Guardian làm trực tuyến cập nhật từng phút mọi ý kiến của các đại biểu, các nhà phân tích liên quan đến cuộc bầu cử.
Mối quan tâm của người Anh
Trước cuộc bầu cử, theo một bảng thăm dò được đăng trên tờ báo lớn nhất ở Anh quốc là tờ The Guardian thì những chủ đề được các cử tri Anh quốc quan tâm nhất vẫn là công ăn việc làm, an sinh xã hội và sức mua… sau đó mới đến các vấn đề khác như nhập cư hay việc Anh nên ở lại hay rút khỏi Liên minh châu Âu.
Các đảng phái, đặc biệt là 2 đảng Bảo thủ và Công đảng đã tập trung tranh cử nhiều trên các vấn đề này. Đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron thì nhấn mạnh đến thành tích kinh tế khá ấn tượng của Vương quốc Anh trong thời gian và tuyên bố “muốn hoàn tất công việc”, tức là thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa.
Lá phiếu ủng hộ của cử tri Anh quốc dành cho đảng Bảo thủ cho thấy các thành tích kinh tế đã có sức nặng đến quyết định của cử tri.
Trong năm 2014, GDP của Anh quốc tăng 2,6%, là mức cao nhất trong nhóm các nước G7 và cao hơn nhiều so với bình quân của các nước thuộc EU.
Ngoài ra, trong 5 năm cầm quyền vừa qua, chính phủ của Thủ tướng David Cameron cũng đã thành công trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp của Anh. Năm 2009, tức khi bắt đầu khủng hoảng, tỷ lệ này là 7,9% nhưng hiện chỉ ở mức 5,6%, tức hiện chỉ có khoảng 1,8 triệu người trong độ tuổi lao động ở Anh không có việc làm. Đây là con số ấn tượng.
Thêm một khía cạnh nữa, đó là việc cử tri Anh quốc tiếp tục ủng hộ đảng Bảo thủ và chính phủ của Thủ tướng David Cameron cho thấy họ đang muốn có sự ổn định về chính sách trước các dấu hiệu chững lại của nền kinh tế Anh. Trong quý I năm 2015 vừa qua, GDP của Anh chỉ tăng 0,3% so với dự đoán 0,5% và chỉ bằng một nửa quý IV năm 2014.
Thăm dò dư luận cho thấy đa số cử tri cho rằng cần phải để đảng Bảo thủ tiếp tục các cải cách mạnh về thị trường để có thể tiếp tục tăng trưởng. Xét về một mặt nào đó, nó cũng cho thấy là Công đảng vẫn chưa lấy lại được niềm tin của cử tri sau giai đoạn quản trị yếu kém trước kia.
Nước Anh liệu có ra khỏi EU ?
Một vấn đề khiến cuộc tổng tuyển cử Anh thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới là mối quan hệ của Anh với Liên minh châu Âu. Thắng lợi của đảng Bảo thủ và của ông David Cameron, nếu đúng, rõ ràng không phải là kết quả mà nhiều nhà lãnh đạo châu Âu thích thú.
Bởi lẽ, trong suốt quá trình tranh cử, ông Cameron luôn nhắc lại cam kết của mình rằng nếu tái cử chức Thủ tướng Anh, ông sẽ cho tổ chức trưng cầu dân ý vào cuối năm 2017 về việc rút nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu. Ngược lại, đối thủ của ông Cameron là ông Ed Miliband của Công đảng thì luôn ủng hộ Vương quốc Anh là thành viên tích cực của EU.
Vì thế, sau cuộc bầu cử này tại nước Anh, quan hệ giữa Brussels và London chắc chắn sẽ tiếp tục phức tạp.
Trên thực tế, theo nhiều nhà phân tích chính trị Anh, Thủ tướng David Cameron “không phản đối, cũng không ủng hộ” việc nước Anh rời khỏi EU.
Ông Cameron kiên quyết tổ chức trưng cầu dân ý với nhiều mục đích.
Thứ nhất, đó là một con bài tranh cử để thu hút một lượng cử tri vốn ủng hộ đảng UKIP, là đảng quyết liệt đòi rút nước Anh khỏi EU.
Thứ hai, là để củng cố nội bộ đảng Bảo thủ bởi trong đảng này, có những phe phái bài châu Âu và không Anh rời EU.
Cuối cùng, đó là một cách để ông Cameron gây sức ép với châu Âu nhằm đạt được những chính sách ngoại lệ cho Anh quốc, chẳng hạn về sự bất khả xâm phạm của London trên thị trường tài chính hay về việc hạn chế người nhập cư từ các nước thành viên EU thuộc khối Đông Âu cũ…
Đây đều là những điều gây tranh cãi và bất đồng sâu sắc giữa các nước châu Âu lục địa với nước Anh và chắc chắn sẽ còn khiến quan hệ giữa hai bên trải qua nhiều sóng gió trong thời gian tới./.