Hôm 23/6, nước Anh sẽ bước vào cuộc trưng cầu dân ý đầy kịch tính về việc Anh sẽ ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu EU. Các cuộc thăm dò trước cuộc trưng cầu cho thấy, tỷ lệ ủng hộ và không ủng hộ Anh rút khỏi liên minh châu Âu (Brexit) đang liên tục dao động và rất sít sao. Tỷ lệ người đi bỏ phiếu, đặc biệt tỷ lệ cử tri trẻ tham gia bỏ phiếu, được coi là sẽ có ý nghĩa quyết định đến kết quả cuối cùng.

brexit_3_jcnn.jpg
Ảnh: marketslant.com

Tỷ lệ sít sao và cân bằng

Cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm nay được coi là quan trọng bậc nhất đối với nước Anh kể từ sau Thế chiến 2 nên điều dễ hiểu là dư luận nước này dành sự quan tâm cao độ cho lần đi bỏ phiếu này. Hiện tại thì câu hỏi liệu nước Anh có rời Liên minh châu Âu hay không vẫn đang hoàn toàn bỏ ngỏ bởi kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Viện Nghiên cứu xã hội Anh quốc thực hiện cách đây 3 ngày cho thấy tỷ lệ người ủng hộ Anh ở lại EU và tỷ lệ muốn thấy Brexit diễn ra đang rất sít sao.

Nếu như cách đây 3 ngày, số người ủng hộ Anh ở lại EU lần đầu tiên kể từ tháng 3/2016 cao hơn số người muốn thấy Brexit, ở mức 44% và 43% thì các cuộc thăm dò mới nhất vào tối thứ Tư, tức chỉ vài giờ trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Brexit lại vượt lên dẫn đầu.

Cụ thể, theo cuộc thăm dò của Opinium, 45% muốn Anh rời EU, 44% muốn ở lại còn theo cuộc thăm dò của TNS thì con số này lần lượt là 43% và 41%.

Điều này cho thấy, mức độ ủng hộ và phản đối Brexit ở Anh hiện đang rất cân bằng và kết quả sẽ phụ thuộc rất nhiều vào lượng cử tri đang lưỡng lự hiện chiếm khoảng 16-20%.

Ngoài ra, việc giới trẻ Anh, vốn ủng hộ rất mạnh việc Anh ở lại EU, có đi bỏ phiếu đông đảo hay không cũng là một ẩn số bởi theo ước tính, khoảng 30% lượng cử tri trẻ Anh quốc chưa biết có đi bỏ phiếu hay không.

Trong lúc này thì cả châu Âu có thể nói là đang “nín thở” chờ đợi cuộc trưng cầu dân ý ở Anh bởi khác với dân chúng Anh, đa số các nước châu Âu đều không muốn nhìn thấy Brexit diễn ra bởi đó sẽ là một thất bại lớn đối với toàn bộ EU.

Hai phe rõ rệt

Việc ra đi hay ở lại EU đã khiến người Anh chia rẽ rất sâu sắc trong nhiều tháng qua. Qua các cuộc thăm dò và khảo sát thì có thể phân chia những người ủng hộ và phản đối Brexit ra thành hai nhóm với các đặc tính khá rõ nét.

Nhóm ủng hộ Anh rời EU bao gồm các công dân lớn tuổi, từ 55 tuổi trở lên, có học vấn không cao, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các đảng cực đoan, bài châu Âu như đảng UKIP. Trong khi đó, phía phản đối Anh rời EU là tập hợp các công dân trẻ, có học vấn và bằng cấp, các tập đoàn tài chính, ngân hàng lớn…

Qua sự phân chia này thì cũng có thể thấy các lý lẽ mà mỗi bên đưa ra để bảo vệ quan điểm của mình. Bên ủng hộ Brexit thì cho rằng nếu rời khỏi EU, nước Anh sẽ không còn bị Brussels ràng buộc, sẽ lấy lại trọn vẹn chủ quyền và có thể tự do đưa ra các chính sách của riêng mình. Nước Anh khi đó cũng sẽ không bị đe dọa bởi các vấn đề như người tị nạn hay lao động nhập cư…

Nói cách khác, cái giá khi ra khỏi EU là được độc lập khỏi Brussels, tự do phát triển theo ý muốn, không sợ bị lao động nước ngoài cạnh tranh…

Trong khi đó, phe phản đối Brexit thì cho rằng nếu rời EU, nước Anh sẽ đánh mất thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình. Nên nhớ là 40% xuất khẩu của Anh là vào thị trường EU.

Ngoài ra, khi không còn là thành viên EU, sức mạnh địa chính trị của nước Anh cũng sẽ suy giảm, Anh sẽ phải tự lo toàn bộ các vấn đề về an ninh của mình. Nói một cách khái quát thì phe ủng hộ Brexit muốn nước Anh được độc lập với châu Âu, tự bảo vệ trong biên giới quốc gia của mình còn phe muốn ở lại EU thì lo ngại việc nước Anh sẽ đánh mất sức mạnh kinh tế và lợi ích chính trị của mình khi ra khỏi khối.

Brexit như sụp đổ của Lehman Brothers ở châu Âu?

Rất khó dự báo chính xác các diễn biến tiếp theo nếu Brexit xảy ra nhưng lo ngại về một hiệu ứng domino là hoàn toàn có thật. Việc nước Anh, nền kinh tế lớn thứ 2 trong khối, rời bỏ EU sẽ là một cú sốc lớn nhất với toàn bộ khối này kể từ khi thành lập.

Nước Anh không chỉ là cường quốc kinh tế mà còn là cường quốc quân sự, ngoại giao ở tầm thế giới nên nếu Anh rời bỏ EU, sức mạnh của khối chắc chắn sẽ suy giảm.

Nghiêm trọng hơn, nếu Anh rời EU, các đảng bài châu Âu hiện đang nổi lên rất mạnh ở châu Âu sẽ gây sức ép buộc chính quyền nhiều nước phải tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý tương tự vì đó sẽ là cách để các đảng này lên nắm quyền lực.

Hoặc, chính phủ các nước thành viên EU sẽ sử dụng Brexit như một tiền lệ để gây sức ép, buộc Brussels phải đưa ra những nhượng bộ lớn. Khi đó thì tổ chức của EU sẽ tan vỡ và sự tồn tại của Liên minh này sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Nhiều chuyên gia đã dự đoán, sau Brexit có thể sẽ là Czexit, tức sự ra đi của CH Czech bởi chính Thủ tướng nước này hồi tháng 2 tuyên bố nếu Anh rời EU, nước này sẽ tổ chức trưng cầu dân ý tương tự. Tiếp đến có thể là các nước như CH Síp, Slovenia.

Ngay cả ở những nước chủ chốt của EU như Pháp hay Italy, sự ngờ vực đối với EU cũng đang tăng dần. Theo khảo sát của Viện Ipsos của Pháp, 55% người Pháp và 58% người Italy muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tương tự nước Anh, dù số người thực sự muốn rời EU ít hơn số đó. Trong mọi kịch bản thì nếu Brexit xảy ra, đó sẽ là điều vô cùng tai hại đối với tương lai của Liên minh châu Âu./.