Theo các số liệu thống kê, đã có sự sụp đổ về quan hệ kinh tế chưa từng có giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) sau khi khối này áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga cũng như việc Nga sử dụng các biện pháp đáp trả đối với các thành viên EU.
"Dòng chảy" thương mại đã sụt giảm đáng kể đối với những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các lệnh trừng phạt cũng như các lĩnh vực liên quan đã tạo ra hiệu ứng cấp số nhân đối với nền kinh tế. Bên cạnh đó cuộc khủng hoảng niềm tin cũng khiến các nhà đầu tư e dè, không vội vàng đưa ra các dự án đầu tư mới trong khi những dự án cũ tạm thời đóng băng. Theo các nhà phân tích, quan hệ xấu đi đã có tác động mạnh mẽ đối với các nền kinh tế của cả Nga và EU và nó sẽ để lại hậu quả trong một thời gian dài nữa.
Ảnh: Sputnik |
Ước tính thiệt hại đối với kinh tế Nga và EU
Trong "cuộc chiến" trừng phạt này, nền kinh tế Nga được cho là chịu nhiều thiệt hại hơn. Điều này thể hiện qua các chỉ số kinh tế 2 năm qua.
Thiệt hại gây ra bởi các biện pháp trừng phạt về tài chính đã để lại những hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế Nga, làm giảm triển vọng về đầu tư và phát triển. Khoản tiền đầu tư cho xuất khẩu giờ chủ yếu chỉ để trả các khoản vay đã được gia hạn thêm.
Tính đến cuối năm 2015, nợ nước ngoài ròng của các ngân hàng Nga đã giảm 56,6 tỷ USD so với mức tăng 13,7 tỷ USD của năm 2013. Tổng số nợ nước ngoài của Nga giai đoạn 2014 - 2015 giảm hơn 200 tỷ USD (khoảng 30%). Nếu biết rằng, khoảng 90% các khoản vay nước ngoài của Nga là từ các tập đoàn lớn thì có thể thấy một sự suy giảm chưa từng có tiền lệ trong đầu tư của các tập đoàn lớn của Nga.
Ngành khai thác dầu của Nga cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi các lệnh trừng phạt của châu Âu. Theo ước tính, sự sụt giảm đối với ngành sản xuất dầu và khí đốt ở Nga do các lệnh trừng phạt của EU và Mỹ có thể lên đến 3-5%.
Việc đánh giá tác động của các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga [cắt nguồn cung cấp hàng hóa và cấm hợp tác với các công ty của Nga trong lĩnh vực này] có thể khó đánh giá vào thời điểm này, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng chắc chắn nó sẽ khiến Nga mất đi nhiều cơ hội để hiện đại hóa nền kinh tế và làm chậm những nỗ lực để khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng hiện nay ở Nga.
Các chuyên gia cho rằng, các biện pháp trừng phạt chịu trách nhiệm khoảng 1/3 trong tổng số các nguyên nhân khiến kinh tế Nga suy thoái như hiện nay.
Về phía các nước EU, có thể đối với một số nền kinh tế lớn trong khối như Anh, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan... các biện pháp đáp trả từ Nga [chủ yếu đối với các sản phẩm nông nghiệp] ít bị tác động, nhưng đối với các nước vùng Baltic bị thiệt hại không nhỏ. Theo thống kê xuất khẩu năm 2015 của Estonia giảm 22% so với năm 2013, Latvia giảm 25% và Lithuania giảm 33%. Xuất khẩu của Phần Lan giảm 39% và Ba Lan giảm 2%. Các nước này đang gặp khó khăn lớn trong việc tìm kiếm thị trường thay thế Nga cho các sản phẩm của họ.
Triển vọng thương mại Nga - EU trong tương lai
Sau 2 năm áp đặt các chế tài trừng phạt lẫn nhau có thể thấy rằng "nạn nhân" đều là các nền kinh tế, trong đó thiệt hại về kinh tế đối với Nga là lớn hơn xét cả về định lượng và định tính. Bên cạnh đó, một số thiệt hại do tác động từ những biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga có thể chỉ đến trong một vài năm tới.
Đối với EU, thiệt hại từ những biện pháp đáp trả của Nga đối với mỗi thành viên có thể khác nhau nhưng các nhà quản lý cũng đã phải tính đến việc chuyển hướng dòng chảy thương mại của họ cho phù hợp với tình hình mới.
Hiện EU vẫn đang xem xét việc có gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga hay không, tuy nhiên cho đến nay, đã có những tín hiệu cho thấy EU đang chia rẽ trong vấn đề này. Ngày 19/6, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng EU nên từng bước dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trong khi đó, Thượng viện Pháp hồi đầu tháng này cũng kêu gọi chính phủ dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga
Thủ tướng Italy Renzi trong chuyến thăm Nga và tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg vừa qua cũng bày tỏ hy vọng rằng quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu sẽ được cải thiện.
Trong số những lãnh đạo châu Âu thăm Nga dự Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg còn có Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker người cũng đã lên tiếng mong muốn hâm nóng quan hệ với Nga.
Cho đến nay, Hungaria, Italy và Hy Lạp đã nhiều lần chỉ trích biện pháp trừng phạt, trong khi phần lớn các nước Bắc Âu và Đông Âu thống nhất ở lập trường không khoan nhượng trong quan hệ với Moscow.
Các chuyên gia cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay đã làm nổi bật lên những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa Nga và EU, nhưng đồng thời nó cũng cho thấy ở một mức độ nào đó sự phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế của cả hai phía. Chính vì vậy, cuộc khủng hoảng hiện nay có thể sẽ là một cơ hội để bắt đầu xây dựng chuỗi giá trị mới xuyên biên giới và trong tương lai gần, mối quan hệ thương mại Nga - EU có thể sẽ được tái cấu trúc./.