>> EU và IMF sẵn sàng trợ giúp Ireland
Ireland liệu có trở thành một “Hy Lạp thứ hai”? Câu hỏi này đang ám ảnh toàn châu Âu, nhất là khi ngày càng có nhiều cơ sở phân tích cho thấy sớm muộn gì quốc gia này có thể sẽ phải cầu cứu một khoản hỗ trợ tương tự Hy Lạp.
Lo ngại về nợ của Ireland bùng lên sau khi Uỷ viên phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ châu Âu Olli Rehn đến Dublin Ireland tuần qua để thuyết phục các nghị sỹ đối lập ủng hộ kế hoạch của chính phủ Ireland cắt giảm tới 15 tỷ euro thâm hụt ngân sách trong 4 năm tới, bằng cách cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Thị trường Ireland cũng lập tức nói lên tâm lý lo ngại của giới đầu tư trước tình trạng nợ công, khi mà lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Ireland tuần qua lên tới gần 9% - mức cao nhất kể từ khi châu Âu đưa đồng euro vào lưu hành năm 1999. Cùng lúc, lãi suất trái phiếu Bồ Đào Nha cũng đã vọt lên các mức cao nhất trong lịch sử.
Nếu như tai họa Hy Lạp làm thức tỉnh châu Âu cũng như toàn thế giới về mối hiểm hoạ của chi tiêu công quá đà, thì câu chuyện Ireland lại đẩy nỗi lo lắng lên nấc thang mới. Không còn nhiều thắc mắc về nguyên nhân vì sao nảy sinh vấn đề, thay vào đó, dư luận hoang mang với câu hỏi làm thế nào để giải quyết khủng hoảng và liệu có thể bình ổn lại tình hình? 6 tháng trước, khi châu Âu phải ra tay giải cứu Hy Lạp, nhất loạt các nước thành viên trong khối đều thực hiện thắt lưng buộc bụng, ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng bức tranh toàn cảnh chưa thể sáng sủa hơn.
“Con chim bị thương sợ cành cong”! Bất kỳ diễn biến xấu nào của nền kinh tế vào lúc này cũng có thể gây khủng hoảng tâm lý gấp nhiều lần. Không loại trừ khả năng giới đầu tư thận trọng thái quá trước những tin đồn về nguy cơ vỡ nợ của Ireland. Nhưng thực tế cho thấy không phải là không có cơ sở để hoảng sợ. Thủ tướng Ireland Brian Cowen khẳng định, nước ông có đủ tiền mặt để trang trải cho ngân sách chính phủ tới tháng 7/2011 và không cần phát hành thêm trái phiếu trong năm nay. Nhưng lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng cao kỷ lục có thể buộc Dublin khó tránh khỏi việc xin hỗ trợ từ Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu. Trong khi đó, Bồ Đào Nha đã cố thu được 1,25 tỷ euro trong phiên bán đấu giá trái phiếu, nhưng phải chấp nhận trả lãi cao nhiều hơn so với 2 tháng trước đây.
Cái vòng luẩn quẩn lại xuất hiện khi các nước châu Âu phải tìm lời giải cho bài toán nghịch: phải giảm thâm hụt ngân sách bằng cách giảm chi tiêu và tăng thuế. Nhưng đồng thời không được gây sốc cho nền kinh tế đang rất cần vốn để phục hồi trong khủng hoảng. Kinh tế giảm và đình trệ sẽ làm giảm mức thu thuế khiến chính phủ các nước hầu như không thể đạt được thặng dư ngân sách, vốn rất cần để trả nợ.
Bài học của Hy Lạp, Ireland và một số nước thành viên khác đang gây tổn hại lớn đến hình ảnh của khu vực sử dụng đồng euro - bấy lâu nay từng được xem là hình mẫu lý tưởng về liên kết vững chắc và thịnh vượng. Dĩ nhiên, chính sách quản lý quốc gia vẫn đóng vai trò chủ chốt trước mọi thành công - thất bại của nền kinh tế, nhưng dư luận không khỏi nghi ngại: Phải chăng có thể đổ lỗi cho chính sự liên kết chặt chẽ với những quy định về thâm hụt ngân sách trong khu vực sử dụng đồng euro là thủ phạm gây tình trạng phình nợ thiếu kiểm soát tại một số quốc gia thành viên?
Tại Hội nghị G20 vừa qua, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jose Manuel Barroso đã nhấn mạnh, Liên minh châu Âu sẵn sàng sát cánh với các nước đang gặp khó khăn ở khu vực sử dụng đồng euro và rằng liên minh “có sẵn mọi công cụ cần thiết” để hỗ trợ Ireland khi cần. Nhưng kết quả chưa nhiều, nếu không nói là không thấy mấy, trong việc giải cứu Hy Lạp, khiến lời khẳng định của ông Barroso có thể chỉ dừng lại ở mức “trấn an” là chính!
Từ châu Âu, nỗi ám ảnh về không chỉ một mà có thể nhiều “Hy Lạp tiếp theo” đang lan rộng ở phạm vi toàn cầu. Bởi dư luận đặt câu hỏi: Một khi những nền kinh tế được quản trị tốt, lâu năm như ở khu vực sử dụng đồng euro cũng “bó tay” trước bài toán nghịch giữa nợ nần và tăng trưởng, thì không hiểu những nền kinh tế đi sau về quản trị kinh tế thị trường sẽ phải làm thế nào? Khủng hoảng đường hướng dường như còn nguy hiểm hơn bản thân cuộc khủng hoảng tài chính hay khủng hoảng nợ nần./.