Thời gian qua, cả Mỹ và Iran đều khẳng định, cánh cửa đối thoại giữa hai bên vẫn mở, song cánh cửa mà cả hai nhắc tới ở đây đang “không có chung một hướng đi”.
Giới chức Mỹ hôm qua (16/7) tuyên bố sẽ duy trì sức ép kinh tế với Iran, để buộc nước này tự phải ngồi vào bàn đàm phán. Còn phía Iran khẳng định, đàm phán dưới sức ép và áp lực là sỉ nhục đối với quốc gia này. Do đó, Mỹ cần phải gỡ bỏ trừng phạt cũng như dành sự tôn trọng với Iran trước, khi đó các cuộc đàm phán mới bắt đầu. Tuy nhiên, ngay cả khi đàm phán diễn ra, thì chương trình nghị sự của nó cũng còn là câu chuyện “khá dài”.
Tên lửa tự chế của Iran. Ảnh: AP. |
Hôm qua (16/7), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dành những lời lẽ “tế nhị nhất” khi đề cập tới vấn đề Iran trong cuộc họp Nội các.
Ông Trump nói: “Chúng tôi muốn giúp đỡ Iran. Chúng tôi sẽ tốt với họ. Chúng tôi sẽ làm việc với họ. Chúng tôi sẽ giúp họ bằng mọi cách có thể. Nhưng, Iran sẽ không thể có vũ khí hạt nhân. Nhân tiện đây, tôi cũng xin nói rõ rằng, Mỹ không tìm kiếm sự thay đổi chế độ tại Iran như một số người nói. Cựu Tổng thống Barack Obama hay nhiều Tổng thống Mỹ khác từng thử nhưng chúng tôi không làm như vậy. Iran sẽ không thể có vũ khí hạt nhân. Họ không thể thử tên lửa đạn đạo nếu có một thỏa thuận nào đó. Tuy nhiên, với thỏa thuận hạt nhân trước đây mà chúng tôi đã rút khỏi, họ có thể làm điều này. Chúng tôi sẽ không để họ làm như vậy”.
Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định, “đã có những tiến bộ” khi Iran gần đây để ngỏ cánh cửa đối thoại với Mỹ.
Giải thích thêm cho tuyên bố của Tổng thống, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, việc Iran chấp nhận đàm phán là do những hậu quả “khủng khiếp” mà lệnh trừng phạt Mỹ gây ra cho nền kinh tế Iran; và rằng giới chức quốc gia vùng Vịnh này đang muốn tìm hướng giải quyết cho vấn đề: “Chính quyền Iran đang vật lộn nghĩ cách giải quyết vấn đề kinh tế đất nước bởi các lệnh trừng phạt hiệu quả của Mỹ. Mới đây, người Iran lần đầu cho biết, họ đã chuẩn bị đối thoại về chương trình tên lửa của họ. Đây là cơ hội của chúng ta. Tôi hi vọng, nếu Mỹ tiếp tục chiến lược của mình một cách phù hợp, chúng ta có thể có thỏa thuận ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”.
Ngay lập tức, người phát ngôn phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc Alireza Miryousefi đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ. Theo vị quan chức Iran, chương trình tên lửa của nước này không phải là vấn đề có thể đem ra đàm phán. Đây cũng là quan điểm của giới lãnh đạo cao nhất tại Iran từ trước đến nay, bởi họ cho rằng, chương trình tên lửa của nước này có sức mạnh răn đe và là sự đối trọng để cân bằng các sức mạnh trong khu vực.
Đấy chỉ là một sự khác biệt giữa Mỹ và Iran trong chương trình nghị sự “phức tạp” nếu cuộc đàm phán giữa hai bên có thể diễn ra. Tuy nhiên, chỉ riêng để ngồi lại được với nhau, hai bên vẫn còn chặng đường dài nữa để đi. Như lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Mỹ sẽ tiếp tục trừng phạt để buộc Iran ngồi đàm phán, song giới chức Iran lại không nghĩ như vậy.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm qua khẳng định, Iran chỉ đàm phán với Mỹ khi các lệnh trừng phạt của Washington với Iran phải được gỡ bỏ. Thậm chí, chưa kể đến những điều kiện trước đó Iran đưa ra, là Mỹ phải quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và dành sự tôn trọng cho Iran trước khi hai bên đàm phán.
Mỹ sẽ gặp “ác mộng” nếu phát động chiến tranh chống Iran
Cánh cửa đàm phán giữa Mỹ và Iran còn trở nên “hẹp” hơn khi Lãnh tụ tối cao – Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei hôm qua tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục thu hẹp, xóa bỏ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân trong thời gian tới, khi cho rằng các nước châu Âu – đồng minh của Mỹ đã không thực hiện các nghĩa vụ của mình.
Trong một tuyên bố, Đại giáo chủ Iran cho biết, các nước châu Âu đã đưa ra 11 cam kết, song không ai trong họ thực hiện, dù chỉ là một cam kết. Trong khi đó, Iran đã thực hiện mọi cam kết của mình, thậm chí còn hành động nhiều hơn cả cam kết.
Đại giáo chủ Iran cảnh báo, các nước châu Âu đang làm gia tăng căng thẳng khi chỉ trích Iran liên quan đến vấn đề hạt nhân, cộng với việc Anh bắt giữ trái phép 1 tàu chở dầu của Iran gần đây: “Những nước châu Âu, từng ký thỏa thuận hạt nhân với Iran, đã đưa ra những yêu cầu không đúng chỗ. Sau đó, nước Anh lại phạm tội “cướp biển” khi bắt giữ trái phép tàu chở dầu của chúng tôi. Dĩ nhiên, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ không để yên cho những hành động như vậy. Sẽ có hành động đáp trả vào thời điểm thích hợp”.
Rõ ràng, dù để ngỏ khả năng đối thoại, song căng thẳng giữa Iran với Mỹ và các nước đồng minh vẫn không ngừng gia tăng thời gian qua./.