Hôm nay (7/12), trước dư luận nhiều chiều về việc cần thiết tiếp tục sửa đổi điều 291 Hiến pháp Thái Lan về quy định sửa đổi toàn bộ bản Hiến pháp như một trong những biện pháp giải quyết khủng hoảng hiện nay, Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Somsak Kiatsuranont khẳng định, đây chưa phải thời điểm thúc đẩy tiến trình này.

Phe chống chính phủ hẹn ngày quyết đấu

Tối 6/12, lãnh đạo cuộc biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thausuban trong bài phát biểu được nhiều người chú ý tại Trung tâm hành chính Quốc gia Thái Lan, nơi tập trung nhiều Bộ ban ngành Thái Lan bị người biểu tình chiếm giữ, một lần nữa tuyên bố nâng cấp độ cuộc chiến chống lại chính phủ. Mục tiêu lật đổ chính phủ của bà Yingluck Shinawatra được ấn định là ngày 9/12 và sẽ là ngày cuối cùng tổ chức biểu tình. Lãnh đạo cuộc biểu tình này cho biết, đây sẽ là ngày phân định thắng thua giữa các bên và sẽ tự nộp mình nếu mình là kẻ bại trận.

thai%20lan%201%20copy.jpg
Cuộc biểu tình bạo động chống chính phủ do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thausuban cầm đầu tại Bangkok

Tuy nhiên ngoài việc được coi là thông báo kế hoạch của cuộc biểu tình với danh nghĩa là Tổng thư ký “Ủy ban Nhân dân vì sự thay đổi Thái Lan thành nền Dân chủ hoàn chỉnh do Nhà Vua làm nguyên thủ”, tổ chức hợp nhất 3 nhóm biểu tình chính chống chính phủ hiện nay tại Thái Lan, phát biểu không gây được mấy ấn tượng bởi vẫn những nội dung như cũ, kêu gọi mọi tầng lớp người dân Thái Lan tham gia cuộc chiến cuối cùng này với các hình thức chống đối khác nhau như người dân các tỉnh kéo về Bangkok, viên chức nhà nước nghỉ việc v.v.

  >> Đọc thêm: Bangkok căng thẳng, Thủ tướng Thái Lan phải rời trụ sở

Nhà lãnh đạo biểu tình ông Suthep cũng không kêu gọi người biểu tình chiếm các cơ sở công quyền, điều đã gây ra các cuộc bạo động dữ dội với cảnh sát trong tuần qua làm hàng trăm người biểu tình bị thương. Địa điểm mà ông Suthep kêu gọi mọi lực lượng biểu tình tập trung bao vây vào sáng 9/12 là Phủ Thủ tướng nhưng ông này cũng đề nghị người biểu tình không vào chiếm cơ quan hành pháp cao nhất này. Khả năng chiến thắng mà người biểu tình đặt ra với việc lập ra một Hội đồng nhân dân và chính phủ nhân dân dường như không thể trở thành hiện thực.

Cuộc biểu tình chiếm Phủ Thủ tướng đã bị cảnh sát đáp trả bằng vòi rồng, hơi cay và có người bị thương do đạn cao su

Tuyên bố nếu người dân không ra khỏi nhà và ủng hộ ông trong cuộc chiến cuối cùng này, hoặc không đạt được mục tiêu vào ngày 9/12, cựu Phó Thủ tướng này sẽ tự ra nộp mình trước lệnh truy nã hôm 2/12 của tòa án Hình sự, với tội danh “phản loạn” có mức án cao nhất là tử hình - được coi là lối thoát danh dự cho cựu Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ này khi đã “cưỡi lên lưng hổ”, lãnh đạo cuộc biểu tình đầy bạo lực và vi phạm nghiêm trọng pháp luật Thái Lan.

Ông Suthep đã lãnh đạo một cuộc biểu tình mang tính chất bạo động, vi phạm pháp luật khi kích động người biểu tình bao vây, chiếm giữ nhiều cơ quan công quyền, cản trở hoạt động bình thường của các công chức nhà nước.

  >> Xem thêm: Phe biểu tình Thái Lan thề chiếm được Trụ sở cảnh sát

Lôi kéo, kích động người dân không thực hiện các trách nhiệm công dân của mình như không đi làm, không đóng thuế v.v… mà không có lý do chính đáng - chắc chắn cuộc biểu tình này sẽ dần không nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân trong xã hội khi họ đã nhận thức ra vấn đề.

Nhiều rạn nứt trong xã hội

Sự rạn nứt trong xã hội Thái Lan hiện đã ở mức đáng báo động. Hai lực lượng chính ở Thái Lan hiện nay, thứ nhất đại diện là những người Áo Đỏ, phần lớn xuất thân từ tầng lớp dân nghèo tỉnh lẻ, đấu tranh cho nền dân chủ theo hướng cải cách, chống lại cái họ gọi là những nhà tư bản cũ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho phóng viên VOV tại Thái Lan cách đây ít ngày, Chủ tịch Mặt trận Dân chủ chống Độc tài hay còn gọi là những người Áo Đỏ, bà Thida Thavonseth nêu rõ quan điểm rằng, các hoạt động của Áo Đỏ không chỉ có mục đích ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra hay Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Đơn giản 2 nhân vật này là đại diện cho nền dân chủ cần được duy trì tại Thái Lan.

Chủ tịch những người Áo Đỏ trả lời phỏng vấn VOV

Lực lượng thứ hai phần lớn là trung lưu thành thị và dân Bangkok, chống lại những nhà tư bản mới mà họ cho rằng, đại diện là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra với cáo buộc sự giàu lên nhanh chóng bắt nguồn từ việc trục lợi khi nắm quyền lực trong tay.

Tài giỏi trong điều hành đưa Thái Lan phát triển nhanh chóng, ông Thaksin cũng tài tình trong việc đưa hình ảnh của mình ăn sâu vào tiềm thức của hàng triệu dân nghèo, bằng các chính sách dân túy, đặc biệt là các cải cách tạo cho họ cảm nhận cao hơn trong vai trò là chủ nhân của vận mệnh đất nước.

Các cuộc biểu tình chống và ủng hộ chính phủ tại Thái Lan thường quyết liệt và kéo dài thể hiện rõ những quan điểm trái ngược nhau của hai lực lượng này trong xã hội.

Chính phủ Yingluck chủ động nhập cuộc

Vài năm trở lại đây, những lời kêu gọi “bất đồng nhưng không đối đầu” và chấp nhận bất đồng trong đa dạng đã được nhiều chính khách, học giả uy tín đưa ra nhiều lần nhằm giải quyết gốc rễ vấn đề. Không phải ngẫu nhiên mà có những lời kêu gọi như vậy bởi việc giải quyết vấn đề này chắc không dễ có được trong tương lai gần của một chính phủ.

Việc bùng phát những bất đồng này như các cuộc bạo động dữ dội trong tuần qua như phần nổi của tảng băng, tuy nhiên điều đầu tiên mà chính phủ Thái Lan đã làm được trong thời gian vừa qua là ngăn chặn hiệu quả những bùng phát trước khi đi quá tầm kiểm soát.

   • Hình ảnh biểu tình đầy bạo lực đòi lật đổ Thủ tướng Thái Lan

Do dân bầu, chính phủ bà Yingluck Shinawatra đã có một loạt chính sách theo hướng cải cách đi đôi với việc giải quyết một lịch sử để lại là cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và biến cố quân đội đàn áp người biểu tình năm 2010 dưới thời cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva làm hơn 90 người chết và gần 2.000 người bị thương.

Rất nhiều người nhìn nhận thiện chí của bà trong việc đẩy nhanh dự luật ân xá Worachai sửa đổi với việc mở rộng thành phần ân xá theo hướng hòa giải trong đó có ông Abhisit hiện là Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập và người anh trai của mình. Tuy nhiên sau khi nhận thấy, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra vẫn là nhân vật nhạy cảm trong xã hội, trở thành tâm điểm chống đối quyết liệt của lực lượng đối lập, bà Yingluck đã chấp nhận lùi bước với tín hiệu cuối cùng là Thượng viện bác bỏ dự luật ân xá Worachai.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck lùi bước với tín hiệu cuối cùng là việc Thượng viện bác dự luật ân xá Worachai

Nhiều người cho rằng, hưởng lợi nhất nếu dự luật được thông qua là ông Thaksin bởi ông sẽ được xóa án tù 2 năm và trở về Thái Lan trong tự do. Nhưng nếu nhìn thấy tội danh mà ông Abhisit và cả ông Suthep Thausuban, lãnh đạo cuộc biểu tình hiện nay đang đối mặt có khung hình phạt cao nhất là tử hình vì vụ đàn áp năm 2010, thì sự đánh đổi này nếu có, chưa biết bên nào được lợi hơn.

    • Máu đổ trong cuộc biểu tình chống chính phủ mới đây

Nhưng điều bất ngờ là phản ứng của cựu Thủ tướng Abhisit khi tuyên bố không lấy vụ xử này làm con tin để “buông xuôi” dự luật ân xá. Không những thế, lực lượng đối lập đã tận dụng khoảng khắc hiếm có này để tạo ngòi nổ cho một cuộc chiến đường phố không ngờ như chúng ta thấy trong tuần qua làm 4 người chết và gần 300 người bị thương.

Bạo động dữ dội khi người biểu tình tấn công Phủ Thủ tướng hôm 2/12

Với chính sách đấu tranh nghị trường đi đôi với tuần hành đường phố, chọc sâu vào những điểm yếu của chính phủ, lực lượng đối lập đã kêu gọi được hàng trăm ngàn người tham dự biểu tình.

Tuy trước mắt đã giải quyết tình hình được tạm ổn, xa hơn một chút, nhân tố “Thaksin” vừa qua phải được coi như một kinh nghiệm trong việc tiếp cận tất cả các chính sách lớn của mình. Điều đầu tiên là phải giải quyết mối lo “Suthep” với những yêu sách còn đó sau khi quân đội lên tiếng khẳng định trung lập trong cuộc đối đầu giữa người biểu tình và chính phủ hiện nay.

Dùng mưu vô hiệu hóa phe biểu tình

Đến thời điểm hiện nay, có thể nói là chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã có “bề dày” trong việc xử lý các cuộc biểu tình với việc từng hóa giải một số cuộc biểu tình lớn trong hơn 2 năm vừa qua, đặc biệt là cách xử lý khủng hoảng lần này.

Cương quyết và khéo léo, bà Yingluck đã vô hiệu hóa các ý đồ trong đường đi nước bước của nhà lãnh đạo biểu tình Suthep. Âm mưu kích động lục quân với việc chiếm trụ sở này và kêu gọi quân đội thể hiện chính kiến trước khủng hoảng đã bị thất bại. Đây là lực lượng từng làm đảo chính năm 2006, đã có tuyên bố của người lãnh đạo cao nhất, Đại tướng, Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha là lực lượng biểu tình không nên lôi kéo quân đội vào các phe phái khác nhau. Tiếp đến là kích động người dân đối đầu dữ dội với cảnh sát trong việc tiến chiếm các cơ quan công quyền dân sự và cảnh sát để chính phủ mắc bẫy, phạm sai lầm khi xử lý bạo động cũng không thành, khi chính phủ tuyên bố không bao giờ dùng đạn thật để trấn áp biểu tình, ngưỡng được coi là đủ điều kiện để một thay đổi lớn có thể xẩy ra như đảo chính hay vi phạm luật như cuộc trấn áp biểu tình đã từng xẩy ra dưới thời cựu Thủ tướng Abhisit.

Nhiều lớp thép gai, rào bê tông và cảnh sát chống bạo động nhưng chính phủ tuyên bố không bao giờ dùng đạn thật

Và tuyệt chiêu nhất là màn trải thảm mở cửa Phủ Thủ tướng và trụ sở cảnh sát Bangkok hôm mùng 3/12 vừa qua, nơi liền trong 2 ngày trước còn là mục tiêu quyết liệt chiếm bằng được của người biểu tình. Lời nhắc nhở của Quân đội sau khi thu xếp cuộc gặp giữa lãnh đạo biểu tình Suthep và Thủ tướng Yingluck Shinawatra trong cuộc gặp tối chủ nhật 1/12 là đứng về phía đất nước Thái Lan có lẽ đã được bà Thủ tướng nghiên cứu kỹ. Rõ ràng là bên nào phạm sai lầm, bên đó sẽ phải trả giá và việc cảnh sát chống biểu tình tự nguyện rút đi, thì việc cơ quan mang tính biểu tượng quốc gia này nếu bị người biểu tình đập phá, người ngã ngựa lập tức sẽ là ông Suthep.

    • Hình ảnh người biểu tình tràn vào Phủ Thủ tướng Thái Lan

Người biểu tình chia làm hai loại, biểu tình ngồi rất ôn hòa phía sau và người biểu tình cực đoan đối đầu cảnh sát phía trước, qua quan sát của phóng viên VOV, những người tràn vào cơ quan hành pháp cao nhất này là những người biểu tình ôn hòa.

Người biểu tình kéo vào khu vực Phủ Thủ tướng sau khi cảnh sát thoái lui

Trong khủng hoảng vừa qua, một yếu tố cũng được nhiều người chú ý là các cuộc biểu tình lớn của Mặt trận Dân chủ chống độc tài ( UDD- hay còn gọi là những người Áo Đỏ) để ủng hộ chính phủ. Tuy nhiên những lãnh đạo cuộc biểu tình này cũng đủ tỉnh táo để chấm dứt ngay cuộc biểu tình của mình khi xuất hiện nhân tố gây rối, kích động để hai nhóm biểu tình đối đầu nhau. Đây là một nguyên nhân mà lực lượng quân đội làm đảo chính năm 2006 khi lo ngại bùng phát bạo lực lúc hai nhóm biểu tình va chạm nhau. Áo Đỏ được coi là một lực lượng ủng hộ nền dân chủ không thể thiếu tại Thái Lan trong nhiều năm trở lại đây. Họ thường tổ chức biểu tình mỗi khi tự nhận thấy rằng, chính phủ của bà Yingluck đang bị áp lực của một lực lượng nào đó trong xã hội.

Áo Đỏ biểu tình ủng hộ chính phủ và lập tức giải tán khi thấy nguy cơ đụng độ có thể là nguyên cớ cho một biến động lớn hơn

Cách xử lý của bà Yingluck đã làm cho chính trị gia lão luyện Suthep sai lầm này nối tiếp sai lầm khác.

Trên mặt trận truyền thông, việc huy động các chuyên gia tư pháp tuyên truyền, phân tích yêu sách của ông Suthep, làm cho nhiều người dân nhận thấy các đòi hỏi này ngày càng trở nên lố bịch. Các kênh truyền thông chính phủ đưa liên tục các phát biểu, phân tích của giới học giả về yêu sách vô lý của lực lượng biểu tình.

Trong một hội thảo hôm qua (6/12), giới học giả và nhiều chính trị gia uy tín còn chỉ ra rằng, ông Suthep đã không hiểu kỹ Hiến pháp, vì vậy đã không vận dụng đúng trong yêu sách đòi thành lập Hội đồng nhân dân và Chính phủ nhân dân. Trong khi đó, 31 Tổ chức xã hội hôm qua đã ra tuyên bố chống lại đề xuất này của ông Suthep. Đảng cầm quyền Vì nước Thái còn cho biết, Hiến pháp hiện hành quy định, Thủ tướng phải là Hạ Nghị sỹ và được bầu thông qua Hạ viện, vì vậy việc lập một chính phủ và Thủ tướng không qua bầu cử như đề nghị của ông Suthep hiển nhiên là trái với Hiến pháp mà các bên phải tuân theo hiện nay.

Vai trò giữ ổn định của Nhà Vua Thái

Người dân Thái Lan ai ai cũng dành sự tôn kính cao nhất và lòng trung thành cho Nhà Vua và Hoàng gia. Nhà Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej không tham gia chính trường, tuy nhiên vẫn giữ vai trò rất lớn trong việc giữ ổn định và cân bằng trong xã hội Thái Lan.

Lịch sử cho thấy, mỗi khi Thái Lan có biến động lớn, Nhà Vua Thái Lan lại xuất hiện với các chỉ dụ khiến các lực lượng trong xã hội phải quy phục. Những công lao to lớn và đức độ của Nhà Vua được tất cả người dân Thái Lan khắc sâu vào tâm khảm. Nhà Vua đã có nhiều chỉ dụ người dân về lòng yêu quê hương đất nước, về việc đồng lòng hướng về đất nước và gạt bỏ mọi mâu thuẫn. Trong phát biểu hôm mùng 5/12 vừa qua, Nhà Vua Thái Lan cũng chỉ dụ mọi người dân Thái Lan nên thực hiện vai trò của mình nhằm sự ổn định và an ninh Thái Lan.

Những người biểu tình dù có bất đồng quan điểm nhưng luôn dành sự kính trọng cho Nhà Vua Thái Lan

Trước lời nhắc nhở đó của Nhà Vua Thái Lan, chắc chắn các bên trong cuộc căng thẳng chính trị hiện nay tại Thái Lan sẽ phải cân nhắc kỹ các hoạt động của mình. Ngoài ra cũng phải kể đến vai trò của Quân đội Thái Lan trong chính trường Thái Lan. Những tuyên bố của quân đội về việc là lực lượng trung thành của Nhà Vua và của đất nước Thái Lan cùng việc hôm mùng 4 vừa qua, Tư lệnh không quân Thái Lan Prachin đã kêu gọi các bên lấy chỉ dụ của Nhà Vua làm đường hướng cho việc giải quyết vấn đề, như một việc thể hiện rõ cho các bên, dù bất đồng quan điểm nhưng cần dừng các hoạt động đối đầu mang tính bạo động, phá hoại và làm tổn hại đến hình ảnh Thái Lan nhằm tìm kiếm lối thoát cho khủng hoảng hiện nay tại Thái Lan.

Sửa đổi Hiến pháp và đấu tranh nghị trường

Cuộc biểu tình đang diễn ra tại Thái Lan cũng làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trong xã hội Thái Lan về việc cần thiết phải tiến hành sửa đổi điều 291 Hiến pháp Thái Lan về việc cho phép sửa đổi toàn bộ bản hiến pháp hiện hành là bản hiến pháp lập ra năm 2007 sau cuộc đảo chính quân sự.

Mặc dù Chủ tịch Hạ viện ông Somsak Kiatsuranont hôm nay (7/12) tuyên bố không vội vã tiến hành, nhưng đây lại chính là một trong những mục tiêu mà đảng cầm quyền Vì nước Thái đang muốn đẩy mạnh từ năm ngoái nhưng chưa được. Ngày hôm qua, đảng cầm quyền Vì nước Thái lần đầu công nhận một số không ít Hạ Nghị sỹ đảng này đề xuất việc trưng cầu ý dân để sửa đổi điều 291, thành lập Hội đồng soạn thảo dự thảo Hiến pháp và sửa Hiến pháp. Khi đó, việc giải tán Hạ viện và tổ chức tổng tuyển cử sẽ được thực hiện theo bản hiến pháp mới này, tiến trình và thời gian như thế nào nếu có, sẽ thuộc sự điều chỉnh của bản hiến pháp mới đó.

Thủ tướng Yingluck vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm 28/11 và khẳng định cuộc đấu tranh chính trị phải thông qua nghị trường

Một khả năng nữa mà Thủ tướng Thái Lan nhiều lần khẳng định giải quyết khủng hoảng hiện nay - thứ nhất là đấu tranh trong Nghị trường, còn ngoài nghị trường phải là cuộc đấu tranh bất bạo động và các bên ngồi lại đàm phán với nhau thông qua Diễn đàn cải cách chính trị, điều mà cả đảng Dân chủ đối lập và ông Suthep lại khăng khăng bác bỏ.

Tuyên bố không thỏa mãn dù cho Thủ tướng từ chức và giải tán Quốc hội của lãnh đạo biểu tình Suthep càng làm Thủ tướng Yingluck tự tin hơn. Bà Yingluck tiếp tục cương quyết không giải tán Quốc hội và không từ chức bởi đây là một Quốc hội được lập ra theo đúng Hiến pháp và Chính phủ dân bầu cũng theo bản Hiến pháp đó. Cho dù đây là một bản Hiến pháp được lập ra sau cuộc đảo chính quân sự năm 2006, nhưng tất cả các bên đã chấp nhận để hình thành một thể chế chính trị hiện nay với hình thức tam quyền dân lập.

Cuộc đấu tranh đường phố bạo lực dường như đã không còn đất để dụng võ tại Thái Lan hiện nay, thay vào đó sẽ là những cuộc đấu tranh pháp lý giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng không kém phần quyết liệt tại Thái Lan mà thôi./.