Ngoài việc hai bên tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực biên giới, trên mặt trận truyền thông, Nga và Ukraine tiếp tục cáo buộc đối phương làm gia tăng căng thẳng sau vụ đụng độ trên biển hồi cuối tháng 11/2018.

cangthangngaukraineleothang_kxsv.jpg
Tình hình giữa Nga và Ukraine tiếp tục căng thẳng sau khi hai bên tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực biên giới. Ảnh: Reuters

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã kêu gọi Đức cùng đồng minh tăng cường hiện diện hải quân tại biển Đen nhằm ngăn chặn “hành động” của Nga sau vụ bắt giữ tàu và thủy thủ của nước này ở eo biển Kerch. Trong cuộc phỏng vấn với đài Funke (Đức), Tổng thống Poroshenko còn cáo buộc Nga triển khai binh lính dọc biên giới và “có ý đồ thọc sâu vào đất liền Ukraine” sau vụ đụng độ hôm 25/11.

Trước đó, nhà lãnh đạo này viết trên Twitter rằng, Nga đang triển khai khoảng 80 nghìn binh sĩ, 900 xe tăng và 2.300 xe bọc thép áp sát khu vực biên giới, bên cạnh 1.400 pháo, tên lửa và 800 máy bay. Theo phía Ukraine, Nga  đang muốn tạo một hành lang trên bộ từ vùng Donbass đến Crimea bằng cách phong tỏa Mariupol và Berdyansk. Ông Volodymyr Omelyan, Bộ trưởng cơ sở hạ tầng của Ukraine cho rằng:

"Đây là một phong tỏa thực sự tại lối vào tại eo biển Kerch. Phía Nga không cho phép một tàu thuyền nào đến hoặc rời khỏi cảng biển của Ukraine trên biển Azov."

Về phần mình, Ukraine cũng đã bắt đầu triệu tập lực lượng dự bị động viên và triển khai thêm quân đến biên giới với Nga. Tổng thống Ukraine Poroshenko, người vừa mới ban hành thiết quân luật tại 10 khu vực ở Ukraine hồi tuần trước đã tuyên bố rằng, động thái gửi thêm quân đến biên giới là nhằm để đáp lại "sự gia tăng hiện diện quân sự của Nga dọc theo biên giới của Ukraine và khu vực chiếm đóng Crimea".

Cùng ngày, Tổng thống Poroshenko cũng đã trình Quốc hội một dự luật khẩn về việc chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine. Thư ký Chủ tịch Quốc hội Irina Lutsenko cho biết, Tổng thống Poroshenko đã trình Quốc hội dự thảo điều chỉnh đạo luật "về việc phê chuẩn sắc lệnh Tổng thống liên quan tuyên bố tình trạng chiến tranh ở Ukraine", từ đó tạo điều kiện cho việc tổ chức bầu cử tại các khu vực của đất nước nơi tình trạng chiến tranh được áp đặt.

Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine có thời hạn hiệu lực 10 năm kể từ ngày 1/4/1999 và được tự động gia hạn nếu hai bên không phản đối. Sau khi được gia hạn tự động vào năm 2009, hiệp ước này đang có hiệu lực đến năm 2019. Hiệp ước quy định nguyên tắc đối tác, công nhận biên giới hiện có không thể bị phá vỡ, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và nghĩa vụ song phương không sử dụng lãnh thổ của mình chống lại nhau.

Phản ứng trước cáo buộc của Ukraine, phía Nga cho rằng, chính quyền Ukraine mới là “nơi bắt nguồn khiêu khích”. Người phát ngôn điện Kremlin, ông Peskov cho biết:

“Tuyên bố của phía chính quyền Ukraine là hoàn toàn vô lý. Những nỗ lực của họ sẽ còn tiếp tục cho đến cuộc bầu cử Tổng thống tại Ukraine. Nga chưa bao giờ xâm lược hay tạo ra hàng lang tại bất cứ nơi nào”

Bên cạnh đó, Nga còn ủng hộ ý kiến của cựu Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, người cho rằng Đức không nên bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh.

Quan hệ Nga và Ukraine căng thẳng kể từ năm 2014 khi Nga sáp nhập trở lại Crimea và tình hình đã bị đẩy lên nấc thang nghiêm trọng mới sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải hôm 25/11.

Hai nước đã đưa ra những thông báo trái chiều về vụ việc. Hải quân Ukraine cho rằng Nga đã cho tàu chặn đường qua Eo biển Kerch, không để hai tàu chiến loại nhỏ cùng một tàu kéo Ukraine đang từ Biển Đen đi qua eo biển này để vào Biển Azov. Tuy nhiên, Nga cáo buộc Ukraine không thông báo trước về việc 3 con tàu qua Eo biển Kerch, đồng thời cho biết các tàu của Ukraine đã đi lại một cách nguy hiểm và phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng thẳng, buộc Nga phải dùng tới vũ lực để ngăn chặn quân đội Ukraine xâm phạm bất hợp pháp vùng biển Nga. Ukraine gọi đây là "hành động có chủ định" của phía Nga. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng vụ việc tại Biển Đen là một "sự cố biên giới" và việc Ukraine ban bố tình trạng chiến tranh là "một phản ứng thái quá"./.