Việc Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden rạng sáng ngày 2/5/2011 là một bước tiến quan trọng, mở ra giai đoạn mới về sự hợp tác, đồng thuận giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống khủng bố. Công lý đã được thực thi. Và đối với Mỹ, đó còn là chiến thắng của lòng tự tôn dân tộc, khi niềm kiêu hãnh của nước Mỹ là tòa tháp đôi ở New York bị đánh sập bởi cuộc tấn công khủng bố do Bin Laden chủ mưu cách đây gần 10 năm.

Đặc biệt, với Tổng thống Barack Obama, đây cũng là một thắng lợi không nhỏ, thể hiện rõ ràng qua tỷ lệ ủng hộ ông của người dân tăng vọt, từ 15% trước thời điểm cuối tháng 4/2011, lên tới gần 60% - con số ủng hộ cao nhất dành cho người đứng đầu Nhà Trắng kể từ năm 2009 đến nay, tạo cơ hội thuận lợi cho ông trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2012.

Tuy nhiên, cái chết của Bin Laden không phải là “liều thuốc chữa bách bệnh”, như nhận định của Tân Hoa xã ngày 2/5 vừa qua. Thực tế, việc tiêu diệt Bin Laden không có nghĩa tổ chức khủng bố Al-Qaeda cũng bị triệt tiêu hay tan rã. Từ nhiều năm nay, do phải thường xuyên lẩn trốn, khả năng chỉ huy, tổ chức của Bin Laden bị hạn chế rất nhiều. Thực chất vai trò của trùm khủng bố này chỉ còn mang tính biểu tượng, với tư cách là thủ lĩnh tinh thần.

Trong khi đó, Al-Qaeda đã xây dựng, phát triển thành một mạng lưới có chân rết ở nhiều nơi, đáng kể nhất là tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi với những trung tâm khá vững chắc, có tổ chức hoàn chỉnh và có khả năng hoạt động độc lập với những cơ sở đầu não ở Afghanistan và Pakistan.

Binladen-ngoai.jpg

Người dân địa phương vây quanh khu nhà của Bin Laden sau khi vụ tấn công xảy ra (ảnh: AP)

Các chuyên gia về Hồi giáo cho rằng: “Tư tưởng không chết đi cùng với sự ra đi của thủ lĩnh của họ, chúng sẽ tiếp tục phát triển mở rộng. Ý thức hệ của Al-Qaeda sẽ có thể tiếp tục được truyền tới hàng nghìn thành viên của họ”. Đây là phân tích có cơ sở, khi ngay sau cái chết của Bin Laden, Al- Qaeda đã lên kế hoạch di chuyển trụ sở chính tới Yemen, quê hương của Bin Laden, dưới sự chỉ huy của Anwar al Awlaqi - mệnh danh là giáo sĩ thánh chiến người Yemen. 

Theo giới quan sát nước ngoài, nhân vật này được coi là chỉ huy mới của Al-Qaeda. Vì thế, cái chết của Bin Laden chỉ là một tổn thất tinh thần đối với Al-Qaeda, tổ chức này vẫn sẽ là mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Ngay đối với Mỹ, cái chết của Bin Laden cũng chưa thể giúp quốc gia này ngăn chặn những cuộc tấn công khủng bố của Al-Qaeda và Taliban tại Afghanistan. Và ngay cả an ninh và quyền lợi của Mỹ ở ngay trên lãnh thổ Mỹ và một số nơi khác trên thế giới, cũng chưa chắc đã được kiểm soát một cách an toàn, khi Al-Qaeda vừa cảnh báo sẽ có những hành động khủng bố để trả thù cho cái chết của thủ lĩnh họ.

Hiện nay, các vấn đề kinh tế xã hội như: thâm hụt ngân sách, thất nghiệp, giá nhiên liệu… đang là điều người dân Mỹ quan tâm nhất trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Nếu ông Obama không giải quyết được những vấn đề cấp thiết đó, đến khi cuộc bầu cử diễn ra, người ta có thể sẽ không còn nhớ đến thành công của ông trong việc tiêu diệt Bin Laden.

Rõ ràng, sau cái chết của Bin Laden, thế giới và nước Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó đòi hỏi các quốc gia cùng đồng lòng, hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố còn tiếp diễn và gay go hơn, đồng thời tiếp tục giúp đỡ nhau cùng phát triển. Bởi muốn triệt tiêu tận gốc chủ nghĩa khủng bố, cần phải xóa bỏ đói nghèo, bất công và phải có sự tôn trọng lẫn nhau giữa các nền văn minh./. 

Trong những ngày cuối của cuộc đời, trùm khủng bố khét tiếng Osama Bin Laden đã không giao tính mạng của mình cho những vệ sĩ, hay chiến binh Arập, những người đã từng sát cánh với ông ta ở Afghanistan, mà lại đặt niềm tin vào hai người Pakistan. Trong hai người này, theo các quan chức Mỹ, thì có một là người đưa tin tâm phúc nhất của Bin Laden. Cả hai đều đã chết trong cuộc tấn công của đặc nhiệm Mỹ.

Trong bối cảnh còn chưa định rõ ai sẽ thay thế trùm khủng bố Osama Bin Laden làm thủ lĩnh mạng lưới Al-Qaeda, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta đã tuyên bố, bất cứ ai thay thế Bin Laden cũng sẽ trở thành kẻ thù số 1 mới của Mỹ. Một số nhân vật trong mạng lưới Al-Qaeda cho rằng cấp phó của Bin Laden, Ayman al-Zawahiri, có thể sẽ lên làm thủ lĩnh.