Các nhà chức trách Malaysia đã sử dụng rất nhiều công nghệ hỗ trợ cho việc tìm kiếm như: thông tin từ trên máy bay, thông tin từ radar trên các tàu hải quân gần đó, thông tin từ các vệ tinh thương mại và quân sự…

Ngày 14/3, Ấn Độ cũng đã đưa vào sử dụng các thiết bị tầm nhiệt để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích tại các quần đảo không có người sinh sống trên biển Andama.

malaysia_copy.jpg
Quan chức quân đội Malaysia theo dõi việc tìm kiếm máy bay mất tích (Ảnh AP)

Theo Foxnews, đây là thiết bị có công nghệ mới nhất được đưa vào tìm kiếm bên cạnh rất nhiều biện pháp tìm kiếm khác như:

Hình ảnh radar

Đây được coi là công cụ tìm kiếm máy bay hữu hiệu nhất. Theo đó, các trạm dưới mặt đất sẽ phát tín hiệu bằng sóng radio đến các vật thể có phản hồi với sóng radio. Các tín hiệu phản hồi này sẽ cho biết vị trí của vật thể đó.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm bằng radar sẽ rất khó khăn trên các vùng biển rộng lớn và nếu không có đủ các trạm radar bao phủ toàn bộ khu vực nói trên thì rất có thể sẽ có những khu vực rộng lớn không có sóng radar.

Việc có các khu vực không được radar quét sẽ dẫn đến việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích gặp rất nhiều khó khăn nhất là khi việc tìm kiếm bây giờ mở rộng ra toàn khu vực Ấn Độ Dương.

Hệ thống định vị ngầm

Rất có thể việc máy bay Malaysia mất tích sẽ được tìm ra phần lớn nhờ công nghệ này. Hệ thống định vị ngầm được coi là “phiên bản dưới nước” của radar và hệ thống này truyền sóng âm xuống nước và nhận tín hiệu âm thanh phản xạ để xác định vị trí của vật thể.

Các thiết bị định vị ngầm đã được sử dụng để tìm kiếm chiếc máy bay 447 của hãng Air France sau khi nó bị rơi xuống độ sâu 4.000m dưới đáy Đại Tây Dương.

Các thiết bị định vị ngầm cũng có thể xác định được liệu vật thể đó thuộc dạng rắn hay mềm. Nếu thuộc dạng rắn thì vật thể đó thường là từ các mảnh kim loại của các tàu hoặc máy bay bị chìm.

Malaysia cũng có 2 tàu ngầm có thiết bị định vị ngầm nhưng vẫn chưa sử dụng đến trong việc tìm kiếm này.

Hình ảnh vệ tinh

Công ty vệ tinh DigitalGlobe cho biết công ty này đã điều động 5 vệ tinh của mình để giúp rà soát toàn bộ vùng biển nghi là có chiếc máy bay mất tích.

Công ty này cũng đã đưa vào sử dụng trang web Tomnod để cộng đồng có thể giúp xem xét tất cả các hình ảnh mà các vệ tinh này ghi lại nhằm tìm kiếm dấu hiệu của chiếc máy bay nói trên.

Công ty này cho biết đã đăng tải hình ảnh của 38.000km2 mặt biển nơi bị nghi ngờ là có chiếc máy bay bị mất tích lên trang web Tomnod và đã có khoảng 3 triệu người tham gia vào việc tìm kiếm từng phần nhỏ của các hình ảnh này ít nhất 30 lần.

Một khu vực khác rộng khoảng 20.000km2 sẽ được DigitalGlobe cập nhật thêm trong vòng 24 giời tới bao gồm cả khu vực Ấn Độ Dương.

Vệ tinh Định vị toàn cầu (GPS)

Một vài dịch vụ theo dõi hành trình bay trực tuyến có thể giúp định vị vị trí của máy bay theo thời gian thực sử dụng dữ liệu GPS được phát đi từ chính các máy bay.

Tuy nhiên trong trường hợp của máy bay Malaysia bị mất tích biến mất trên màn hình không vận vào sáng 8/3 có thể là do khu vực này không cho phép phát sóng GPS.

“Chúng tôi mất tín hiệu của chiếc máy bay này khá sớm”, người phát ngôn của FlightAware, một trang web cung cấp thông tin về các chuyến bay cho biết.

Theo FlightAware chiếc máy bay này đã ở độ cao 10.600m vào lúc 1h sáng 8/3 nhưng ngay sau đó họ không có thêm thông tin gì nữa.

“Quy định của Chính phủ cấm việc theo dõi chuyến bay trực tuyến tại khu vực này nên ngay sau khi cất cánh máy bay đã bay ra khỏi tầm phủ sóng của chúng tôi và chúng tôi không có thông tin trực tiếp về vị trí của máy bay”.

FlightRadar24, một ứng dụng phát theo dõi vị trí máy bay theo thời gian thực khác, dường như có thêm khoảng 15 phút sau đó về vị trí của chiếc máy bay Malaysia bị mất tích. Tuy nhiên điều này cũng không hỗ trợ gì nhiều cho việc tìm kiếm.

Tìm kiếm bằng mắt thường

Để tìm máy bay bị mất tích, các nhà chức trách phải vạch ra một khu vực tìm kiếm trên đất liền và biển rất rộng.

Các máy bay và tàu thủy sau đó sẽ được điều động đến những ô được chia nhỏ ra trong khu vực tìm kiếm nói trên để tìm bằng chứng về các mảnh vỡ hoặc bất kỳ vật gì có thể giúp xác định vị trí máy bay.

Tuy nhiên vì khu vực này rộng tới 38.000km2 nên việc tìm kiếm như vậy diễn ra rất chậm chạp. Các máy bay tầm thấp chỉ có thể rà soát một khu vực rộng khoảng 48km2 trong vòng 8 giờ.

Tín hiệu trên máy bay

Máy bay thường phát đi một vài loại tín hiệu thông qua máy phát tín hiệu hoặc tin nhắn.

Máy phát tín hiệu là các thiết bị điện tử cho phép tự động xác định máy bay thương mại thông qua radar của trạm kiểm soát không lưu và truyền thông tin nhận dạng vị trí và độ cao của máy bay xuống các trạm radar mặt đất.

Trong vụ máy bay mất tích, hai quan chức Mỹ đã cho biết hệ thống truyền thông tin dữ liệu và máy phát tín hiệu của máy bay đã lần lượt bị tắt vào lúc 1h7 và 1h21 sáng 8/3.

Ngoài ra trên máy bay còn có một hệ thống truyền thông tin khác có tên gọi là Hệ thống Liên lạc và Lưu trữ thông tin Máy bay (ACARS). ACARS sẽ gửi các tin nhắn về tình trạng máy bay phục vụ cho việc bảo dưỡng máy bay.

Tuy nhiên, hệ thống này không thể gửi dữ liệu liên tục hoặc theo yêu cầu mà chỉ gửi các thông tin tại 4 thời điểm: khi máy bay cất cánh, bay lên cao, bay ở độ cao cố định và hạ cánh.

Các tín hiệu từ điện thoại

Việc xác vị trí của hàng trăm chiếc điện thoại di động biến mất cùng chiếc máy bay nói trên không hề dễ dàng như việc chúng ta thường làm khi khởi động ứng dụng tìm kiếm “Find My iPhone” để tìm chiếc iPhone bị thất lạc của chúng ta.

Việc xác định vị trí này sẽ cực kì khó khăn khi chiếc máy bay này đang bay nhanh ở độ cao 10.600km và có thể đã lao xuống biển.

Hơn thế nữa, việc các hãng hàng không yêu cầu mọi người chuyển điện thoại của mình sang chế độ “trên máy bay” sẽ khiến chiếc điện thoại không thể truyền đi bất kỳ tín hiệu radio nào kể cả sóng điện thoại.

Kể cả trong trường hợp có hành khách để chế động thông thường thì điện thoại cũng không thể liên lạc được do máy bay bay rất nhanh. Hơn thế nữa tại khu vực nói trên cũng không có trạm phát sóng nào./.