Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thay đổi chính sách đối ngoại kéo dài nhiều thập kỷ qua và Bộ trưởng Quốc phòng kế tiếp sẽ phải là người hỗ trợ ông thực hiện ý tưởng này.

photo1522032423291_1522032423291689588713_gulm.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn tìm kiếm người kế nhiệm ông Mattis. Ảnh: Reuters.

Thay đổi chính sách đối ngoại truyền thống

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis là một con người yêu nước - đã “toàn tâm toàn ý” phục vụ cho các lợi ích của nước Mỹ. Nhận định này của Tổng thống Trump hoàn toàn đúng, tuy nhiên ông vẫn chấp thuận lá đơn từ chức của James Mattis là bởi nhân vật này đại diện cho nền tảng chính sách đối ngoại truyền thống, khiến quân đội Mỹ phải tham gia vào những cuộc chiến tranh không cần thiết trên khắp thế giới.

Ông Trump đã đưa ra những lập luận dựa trên nền tảng thực tiễn, công khai chỉ trích các cuộc chiến tranh, đồng thời cho rằng can thiệp vào những cuộc chiến đó sẽ không góp phần xây dựng nước Mỹ. Trái ngược với Tổng thống Trump, nhiều nhân vật tại Washington vẫn giữ lối suy nghĩ cổ điển, khẳng định sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực là cần thiết để giúp nước Mỹ được an toàn. Việc điều quân đội hiện diện tại các quốc gia bên ngoài gần như là tư tưởng cố hữu của một bộ phận không nhỏ trong giới tinh hoa tại Mỹ, mà Bộ trưởng Mattis là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, quan điểm này lại không trùng khớp quan điểm của đa số người dân Mỹ.

Cần phải nhắc lại rằng, ngày 30/9/2016 thời điểm gần kết thúc chiến dịch tranh cử Tổng thống, phóng viên Chris Matthews của chương trình Morning Joe thuộc kênh truyền hình MSNBC đã giải thích tại sao người dân Mỹ lại ủng hộ ông Trump dù ông không có nhiều kinh nghiệm trên chính trường. Trong bình luận của mình, Chris Matthews nói: “Giới tinh hoa tại Washington chưa thực sự thấu hiểu suy nghĩ và cảm nhận của người dân – những người lo ngại nước Mỹ đang đi xuống. Họ quan tâm đến tình trạng nhập cư, nhưng họ không điều chỉnh luật lệ nhập cư. Họ cũng không điều chỉnh các quy tắc thương mại để mang lại lợi ích cho người dân. Thay vì đó họ đưa chúng ta vào những cuộc chiến tranh vô bổ”.

Kết quả cuộc thăm dò do Charles Koch và RealClearPolitics thực hiện cho thấy, 51% số người được hỏi đều nói rằng đã đến lúc giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan hoặc rút toàn bộ quân đội ra khỏi quốc gia này trong 12 tháng tới. Tổng thống Trump cũng có cùng quan điểm như vậy và ông luôn nuôi ý định rút quân khỏi Afghanistan.

Trăn trở tìm người kế nhiệm

Vào cuối năm 2013, ông Trump viết trên trang Twitter rằng: “Chúng ta nên rời Afghanistan ngay lập tức, không nên lãng phí thêm nhiều nhân mạng nữa. Nếu chúng ta buộc phải quay trở lại chúng ta sẽ làm điều đó một cách quyết liệt và nhanh chóng. Hãy xây dựng nước Mỹ trước tiên”. Tuy nhiên vào tháng 8/2017, ông Trump lại bất ngờ tuyên bố sẽ không rút quân, thay vì đó gia tăng số lượng binh sỹ đồn trú tại Afghanistan.

Giải thích về sự thay đổi này, ông Trump nói: “Ý định ban đầu của tôi là rút quân khỏi Afghanistan và tôi luôn muốn làm theo bản năng của mình. Nhưng tôi nhận thấy rằng mọi quyết định đều có thể khác khi bạn ngồi trên chiếc ghế trong phòng Bầu Dục”. Vậy Bộ trưởng Quốc phòng Mattis có phải lý do chính dẫn đến việc đảo ngược quyết định này không?

Theo một số nguồn tin, Bộ trưởng Mattis đã khuyên can Tổng thống Trump bằng những lập luận sắc bén rằng nếu ông rút quân khỏi Afghanistan thì sẽ lặp lại sai lầm của Tổng thống Obama (sau khi cựu tổng thống Mỹ ra lệnh cho quân đội Mỹ rút khỏi Iraq khủng bố IS xuất hiện và phát triển rất nhanh). Ngay sau đó, ông Trump đã trả lời: “Tôi nghĩ đây là một điều tốt và chúng ta sẽ thực hiện nó nhưng tôi vẫn nghĩ ông đã sai. Nó không mang lại cho chúng ta bất cứ thứ gì ngoài việc phải tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD”.

Trường hợp tương tự cũng xảy ra khi ông Trump bày tỏ ý định muốn rút quân khỏi Syria vào tháng 4/2018 và ý định này cũng vấp phải sự phản đối của Bộ trưởng James Mattis. “Chúng ta không nên rút quân trước khi các nhà ngoại giao đạt được hòa bình”, ông Mattis nói. Ông Trump một lần nữa lại nghe theo lời khuyên của ông Mattis và không có động thái nào quân sự xảy ra tại Syria.

Song có vẻ như sự thất vọng của nhà lãnh đạo Mỹ đối với các cố vấn quân sự cấp cao của ông lên đến đỉnh điểm, dẫn đến quyết định cuối cùng là ông Trump yêu cầu Bộ Quốc phòng rút hết binh sỹ khỏi Syria. Sự từ chức của ông Mattis là bước đi hợp lý tiếp theo.

Ông Mattis cho rằng lộ trình chuyển đổi kéo dài 2 tháng sẽ giúp ích cho việc chọn lựa người kế nhiệm ông và tránh để xảy ra sự gián đoạn trong bộ máy chính quyền. Nhưng Tổng thống Trump lại muốn ông ra đi sớm hơn. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi không tổng thống nào muốn một nhân vật công khai phản đối các chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của họ tiếp tục điều hành Bộ Quốc phòng thêm nữa.

Tài năng cùng kinh nghiệm của ông Mattis là không thể phủ nhận. Trong thời gian phục vụ cho chính quyền Tổng thống Trump, Bộ trưởng Mattis đã có những thành tựu rất đáng khích lệ như khôi phục tiềm lực và sức mạnh của quân đội Mỹ, tiêu diệt tổ chức khủng bố IS.

Mặc dù có kinh nghiệm dày dặn trên chiến trường, nhưng thế mạnh của James Mattis không phải là đấu tranh với các chính sách của Tổng thống, gây ấn tượng với truyền thông hoặc có ảnh hưởng tới dư luận. Thêm vào đó, ông James Mattis nhiều bất đồng trong chiến lược quân sự và ngoại giao với Tổng thống Trump, mà trong nhiều trường hợp, trực giác của Mattis không thực sự nhạy bén như ông Trump. Giới phân tích cho rằng, ý định của Tổng thống Trump rút quân khỏi Syria và Afghanistan là đúng đắn ngay từ ban đầu, nhưng hầu hết các cố vấn cấp cao đều ngăn cản Tổng thống thực hiện việc đó.

Tổng thống Trump đã đề xuất bổ nhiệm Thứ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng. Nhưng nhà phân tích chính sách đối ngoại Mỹ Daniel L.Davis nhận định trong bài viết trên tờ National Interest rằng, quyết định này chỉ giúp lấp đầy vị trí trong một thời gian ngắn. Về lâu dài, ông Trump vẫn cần lựa chọn Bộ trưởng Quốc phòng mới đồng lòng với ông trong các quyết sách vạch ra trong nửa còn lại của nhiệm kỳ, đặc biệt khi đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 1/2019. Nhân vật này phải là người có kinh nghiệm dày dặn về ngoại giao và chính trị, hiểu các vấn đề về chiến tranh và hòa bình, là một chỉ huy quân sự mạnh mẽ, quyết đoán.

Theo ông Daniel L.Davis, Tổng thống Trump đã rất đúng khi nhận xét rằng mọi thứ sẽ khác biệt khi đảm nhiệm cương vị lớn trong phòng Bầu Dục. Nhưng dẫu sao ông cũng đã thực hiện được nhiều cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Để tiếp tục thực hiện chính sách “nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Trump cần những cố vấn cấp cao thực thi hiệu quả những ý tưởng mà ông đưa ra. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng mới sẽ phải là người ủng hộ tầm nhìn của Tổng thống về vai trò quân sự của Mỹ trên thế giới, là một chuyên gia chính trị thiết lập được mạng lưới thân Trump tại Bộ Quốc phòng./.