Ngày 14/4 tới, các cử tri Venezuela sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra người kế nhiệm cố Tổng thống Hugo Chavez, người đã thắng cử cách đây 6 tháng nhưng đã qua đời hôm 5/3/2013 vì căn bệnh ung thư mà chưa kịp tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2013-2019.

Theo các chuyên gia phân tích, mặc dù có 7 ứng cử viên ra tranh cử nhưng cuộc bầu cử sắp tới chỉ là một “cuộc đua song mã” giữa quyền Tổng thống Nicolas Maduro - người được ông Chavez chọn để kế nhiệm – và ông Henrique Capriles, Thống đốc bang Miranda. Và nhiều khả năng ông Maduro sẽ trở thành nhà lãnh đạo mới ở quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới này nhờ vào lời ủy nhiệm của cố Tổng thống Chavez.

venezuela.jpg
Quyền Tổng thống Nicolas Maduro và những người ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử (Ảnh: AP)

Chiến dịch tranh cử ngắn nhất

Chiến dịch vận động tranh cử tổng thống tại Venezuela đã kết thúc hôm 11/4 với những hoạt động vận động khẩn trương và dồn dập của các ứng cử viên. Đây là chiến dịch tranh cử ngắn nhất trong lịch sử Venezuela vì chỉ kéo dài 10 ngày.

Phát biểu trước hàng triệu người ủng hộ ở thủ đô Caracas, quyền Tổng thống Maduro đã kêu gọi người dân đi bỏ phiếu, đồng thời khẳng định chiến thắng của ông sẽ cho phép đất nước tiếp tục cuộc cách mạng vì công bằng và tiến bộ xã hội do cố Tổng thống Chavez khởi xướng.

Ông Maduro nhấn mạnh sau khi thắng cử, ông sẽ tiếp tục và mở rộng các chương trình xã hội được Chính phủ triển khai trong 10 năm qua nhằm phát triển giáo dục, y tế, xây dựng nhà ở, tạo việc làm, phân phối lương thực và thực phẩm thiết yếu với giá trợ cấp để hỗ trợ người nghèo.

Bên cạnh đó, ông Maduro cũng cam kết sẽ đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết tình trạng mất an ninh, đấu tranh chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả điều hành của chính phủ.   

Về phần mình, ông Capriles, một chính trị gia có quan điểm thân Mỹ và đã thất bại trước ông Chavez trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 10 năm ngoái, đã cam kết đem lại cơ hội cho mọi tầng lớp dân cư, tăng lương tối thiểu, chấm dứt tình trạng “ban phát” dầu mỏ cho nước ngoài và giảm tỷ lệ tội phạm.  
Phe Chavez sẽ thắng cử?

Theo các chuyên gia phân tích, nhiều khả năng quyền Tổng thống Maduro sẽ giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử sắp tới nhờ vào lời ủy nhiệm của cố Tổng thống Chavez - một người được đa số người dân Venezuela tôn trọng và quý mến, một phần nhờ vào các thành tựu kinh tế-xã hội mà quốc gia Nam Mỹ này đạt được trong thời gian ông lãnh đạo đất nước.

Trong thông điệp cuối cùng gửi tới người dân nước này hôm 8/12/2012 trước khi rời Caracas sang Cuba để chữa trị ung thư, ông Chavez nói: “Tôi muốn nói một điều mặc dù nó rất khó khăn… nếu có điều gì đó sẽ xảy ra (đối với tôi)…, sự lựa chọn chắc chắn, tuyệt đối và không thể thay đổi của tôi đó là các bạn hãy bầu ông Maduro làm Tổng thống. Tôi cầu xin các bạn điều này từ tận đáy lòng mình”.

Dự báo trên được củng cố bởi kết quả các cuộc thăm dò dư luận trong những ngày gần đây. Kết quả thăm dò của hãng Datanalisis cho thấy quyền Tổng thống Maduro có thể sẽ giành thắng lợi với số phiếu ủng hộ nhiều hơn 17% so với số phiếu của ông Capriles. Các cuộc thăm dò khác cũng cho thấy ông Maduro dẫn trước đối thủ trên 10%, thậm chí có cuộc thăm dò cho thấy sự cách biệt về tỷ lệ cử tri ủng hộ giữa hai ứng cử viên này lên tới 20%.    

Hai kịch bản hậu bầu cử

Nhận định về các kịch bản có thể xảy ra sau cuộc bầu cử sắp tới ở Venezuela, nhà phân tích Andres Oppenheimer của tờ Miami Herald cho rằng nếu quyền Tổng thống Maduro giành được thắng lợi rõ ràng với cách biệt hơn 10% phiếu bầu so với đối thủ, ông Capriles sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhượng bộ bởi vì, cho dù phe đối lập có bịa đặt rằng quá trình bầu cử là không minh bạch, những lời phàn nàn như vậy cũng không được nhiều người lắng nghe.

Tuy nhiên, trong trường hợp ông Maduro giành chiến thắng nhưng với khoảng cách không lớn, lãnh tụ phe đối lập Capriles ngay lập tức sẽ tuyên bố cuộc bầu cử này là không trung thực. Những rối loạn chính trị có thể sẽ xảy ra ở quốc gia Nam Mỹ này.

Trước đó, trong thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử, Chính phủ Venezuela đã nhiều lần tố cáo phe đối lập cánh hữu biết trước sẽ thất bại nên tìm cách hủy hoại quá trình bầu cử thông qua các kế hoạch ám sát và phá hoại, thậm chí không công nhận kết quả bầu cử với lý do Hội đồng Bầu cử Quốc gia (CNE) thiên vị ông Maduro, ứng cử viên của Đảng Xã hội Thống nhất (USP) cầm quyền.

Tại cuộc mít tinh ở thủ đô Caracas, ông Maduro đã thông báo rạng sáng ngày 11/4, các lực lượng an ninh Venezuela đã bắt giữ một số phần tử bán vũ trang người Colombia mang theo vũ khí và thuốc nổ nhằm gây bạo loạn. Cùng ngày, tướng Octavio Chacon, Tư lệnh Quân khu IV, thông báo các lực lượng an ninh vừa tịch thu 50 băng đạn sau khi khám xét một cơ sở nhập hàng hóa từ Mỹ tại bang Lara. Tướng Chacon cho biết có bằng chứng cho thấy số đạn trên có liên quan trực tiếp tới các nhóm khủng bố đánh thuê được huấn luyện tại El Salvador đã xâm nhập vào Venezuela để gây bất ổn trước thềm bầu cử. 

Còn trong trường hợp ông Capriles giành thắng lợi với cách biệt hơn 3% số phiếu, quyền Tổng thống Maduro có rất ít lựa chọn và có thể sẽ phải nhượng bộ. Kịch bản này giống như những gì đã xảy ra trong cuộc bầu cử năm 1990 ở Nicaragua, khi phe đối lập giành chiến thắng trước chính quyền của Mặt trận Giải phóng Quốc gia Sandinista (FSLN) cho dù các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử đều cho thấy FSLN có thể sẽ giành được thắng lợi áp đảo. Khi đó, ông Capriles sẽ phải thành lập Chính phủ liên minh bởi vì, phe ủng hộ cố Tổng thống Chavez vẫn đang chiếm đa số tại Quốc hội Venezuela./.