Trong 3 tháng qua, khu vực Bắc Phi và Trung Đông nổi lên làn sóng biểu tình chống chính phủ. Cuộc biểu tình bắt đầu bùng phát từ Tunisia rồi tiếp đến là Ai Cập, Bahrain, Yemen, Libya, Moroco, Jordan, Oman, Algeria, Iran và Syria… Nhưng có lẽ mạnh mẽ nhất và gây ra nhiều biến động lớn là Tunisia, Ai Cập, Yemen và Libya. Các phương tiện truyền thông cho rằng nguyên nhân của các cuộc bạo loạn chính trị này là do chế độ chuyên quyền độc đoán, tham nhũng, phân hoá xã hội, khủng hoảng kinh tế, giá cả leo thang. Nhưng thực tế có thể thấy một yếu tố nữa là sự can thiệp từ bên ngoài.

Yemen.jpg
Thi thể của một người thiệt mạng do biểu tình tại Yemen (Ảnh: Reuters)
Tại Tunisia, Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn biểu tình như ban bố tình trạng khẩn cấp trên phạm vi cả nước, giải tán chính phủ và bầu cử sớm nhưng làn sóng biểu tình tiếp tục dân cao. Ông Ben Ali đã phải từ chức và sống lưu vong tại Saudi Arabia sau 23 năm nắm quyền.

Làn sóng biểu tình ở Tunisia đã lan sang Ai Cập và Tổng thống Mubarak đã phải từ chức sau đó 3 tuần. Nhưng khác với Tổng thống Tunisia, ông Mubarak từ chức dù muộn nhưng vẫn được cho là thích hợp. Đó là lý do vì sao ông Mubarak và gia đình vẫn an toàn và sống trên quê hương mình.

Sự bất ổn ở Ai Cập đã được dự báo trước, cũng như những rạn nứt trong quan hệ đồng minh Mỹ - Ai Cập. Sự can thiệp của Mỹ vào vấn đề dân chủ, nhân quyền ở đất nước Kim Tự Tháp trong vài năm qua đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Mubarak.

Mỹ đã nhận thấy thiếu sự hợp tác của chính quyền Tổng thống Mubarak, cũng như vai trò và tiếng nói của Ai Cập ở Trung Đông đã giảm sút. Ủng hộ phe đối lập và lực lượng chống đối là chìa khoá Mỹ sử dụng tại Ai Cập vừa qua. Mỹ đã thành công khi các cuộc biểu tình của Ai Cập dù có lúc trở thành bạo động, bạo lực và hơn cả là chính quyền và cả Tổng thống Mubarak đã bị thay thế.

Vai trò và vị trí của Ai Cập không thể phủ nhận bởi trong vòng 1 tuần qua, cả Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates lần lượt tới thăm. Mỹ đã khẳng định quan hệ chiến lược với đồng minh Ai Cập và cam kết duy trì khoản viện trợ 1,5 tỉ USD.

Làn sóng biểu tình tại Ai Cập và Tunisia tiếp tục lan sang Yemen cũng với các lý do tương tự và Mỹ lại xuất hiện tại đây.

Trong bài diễn văn tại trường Đại học Sana’a ngày 1/3, Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh tố cáo Israel và Mỹ đã âm mưu kích động biểu tình. Ngay sau đó, người phát ngôn Nhà Trắng đã lên tiếng phản bác. Dù cứng rắn và mềm dẻo hơn Tổng thống Mubarak nhưng cuối cùng thì ngày 24/3 vừa qua, Tổng thống Abdullah Saleh đã phải đưa ra cam kết sẽ chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Dù cam kết này chưa được thực hiện nhưng trong bối cảnh hiện nay đó là sự lựa chọn khôn khéo và tốt nhất cho ông Saleh - người đã năm quyền hơn 30 năm từ năm 1978 đến nay.

Những gì đang diễn ra tại Yemen gần giống với Ai Cập. Khác với Libya, Mỹ có lợi ích riêng của mình ở đây khi hợp tác với đồng minh Yemen trong cuộc chiến chống khủng bố trên bán đảo Arab. Đó cũng là lý do vì sao tình hình Yemen lại diễn ra giống Ai Cập và không có sự can thiệp bằng vũ lực từ bên ngoài.  

Tình hình tại Libya lại hoàn toàn khác. Làn sóng biểu tình chống chính phủ đã bùng phát và lan rộng trong cả nước. Đụng độ giữa lực lượng chống chính phủ và quân đội của Nhà lãnh đạo Libya Gaddafi đã xảy ra ở một số khu vực. Chỉ đợi có thế, liên quân Mỹ, Pháp, Anh đã nhanh chóng can thiệp. Đầu tiên là lệnh cấm vận không phận Libya của LHQ do máy bay và tàu chiến của Liên quân thực hiện. Lệnh cấm vận vừa được thông qua dù Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Nam Mỹ, Arab, Châu Phi phản đối, Liên quân đã tấn công tên lửa vào các mục tiêu quân sự của chính phủ Libya với lý do bảo vệ dân thường.

Cuộc tấn công đã gây thiệt hại về người và phá huỷ các cơ sở hạ tầng của Libya. Ngày 26/3, Bộ Y tế Libya cho biết từ hôm 20-23/3 các cuộc không kích của Liên quân đã làm ít nhất 114 người chết và 445 người bị thương.

Dư luận tiếp tục lo ngại tới tình hình Syria và các cuộc biểu tình đang bùng phát ở nước này. Tình hình ở đây sẽ diễn biến phức tạp hơn nhiều bởi trong nội bộ có nhiều bất đồng và mâu thuẫn, đặc biệt Tổng thống Bashar Al-Assad và chính quyền Syria không thân Mỹ. Liệu có một cuộc tấn công nữa nhằm vào Syria hay không? Và còn Iran - nước luôn đối đầu với Mỹ và phương Tây  trong vấn đề hạt nhân.

Một chính quyền có thể bị thay thế và loại bỏ nếu không theo quỹ đạo và không cùng cuộc chơi. Dư luận và cộng đồng quốc tế kịch liên lên án việc dân thường bị sát hại. Cần chấm dứt đổ máu, tôn trọng nhân quyền, dân chủ và không can thiệp vào công việc nội bộ, chủ quyền lãnh thổ nước khác./.