Trong 2 ngày (24 & 25/10/2008), tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đã diễn ra Hội nghị cấp cao Á – Âu lần thứ 7 (ASEM-7).

Đây là một sự kiện quốc tế đặc biệt quan trọng, diễn ra vào thời điểm toàn thế giới đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực, từ tài chính đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu… Chính vì vậy, việc hội nghị quy tụ được toàn bộ 45 quốc gia và tổ chức thành viên tham dự không chỉ thể hiện rõ vai trò quan trọng và sự ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của ASEM, mà còn cho thấy sự quyết tâm của hai châu lục trong việc cùng nhau đối phó với những thách thức quy mô toàn cầu.

 ASEM ngày càng thể hiện tầm ảnh hưởng lớn

Với chủ đề “Tầm nhìn và hành động: Hướng tới một giải pháp cùng có lợi”, hội nghị lần này là cơ hội để các thành viên cùng xây dựng một tầm nhìn thiết thực và hiệu quả hơn, đặc biệt trong bối cảnh ASEM ngày càng mở rộng và hướng tới mục tiêu đưa quan hệ đối tác Á- Âu tương xứng với tiềm năng, đáp ứng tốt hơn lợi ích của các thành viên.

Kết quả, sau hai ngày tích cực thảo luận về 4 chủ đề chính gồm: Tình hình kinh tế và tài chính thế giới, Các vấn đề toàn cầu (an ninh lương thực, sẵn sàng ứng phó và xử lý thiên tai…), Thúc đẩy phát triển bền vững (thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, gắn kết xã hội) và Tăng cường đối thoại giữa các nền văn minh, các nhà lãnh đạo đã đạt được nhất trí trên nhiều lĩnh vực quan trọng, đúng như tinh thần đoàn kết xưa nay của diễn đàn này.

asem-7.jpg
(Ảnh: Xinhua)
Trong quan hệ hợp tác và đối thoại đa phương, hội nghị nhấn mạnh cần tăng cường hệ thống đa phương quốc tế với LHQ là trung tâm và giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế và khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế. Hội nghị nhấn mạnh công tác tái thiết sau xung đột, chú trọng thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, ủng hộ giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tăng cường hợp tác đa phương về chống tội phạm xuyên quốc gia, ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS, dịch cúm gia cầm, xây dựng cơ chế cảnh báo và ứng phó sớm với các thảm họa thiên nhiên.

Hội nghị khẳng định, phải tăng cường hiệu quả hoạt động của LHQ thông qua quá trình cải tổ theo hướng dân chủ, thực chất, bảo đảm tính đại diện xứng đáng hơn nữa cho các nước đang phát triển.

 Tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - nội dung trọng tâm

Các đại biểu bày tỏ lo ngại sâu sắc về những tác động đang lan rộng của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế thế giới cũng như những thách thức nghiêm trọng đang đặt ra cho sự phát triển kinh tế ổn định của các nước Á-Âu. Hội nghị nhất trí cho rằng cần phối hợp hành động nhằm ứng phó và tiến tới giải quyết một cách căn bản cuộc khủng hoảng. Hội nghị cũng đề xuất một vài biện pháp cụ thể như tăng cường vai trò điều tiết của IMF và các thể chế tài chính khác, tận dụng tối đa cơ chế hợp tác trong ASEM cũng như các cơ chế hợp tác khác để tăng cường chia sẻ thông tin, trao đổi chính sách và hợp tác thiết thực trong lĩnh vực tài chính.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng nêu bật tầm quan trọng và kêu gọi sớm nối lại Vòng đàm phán Doha để góp phần ổn định tình hình kinh tế thế giới; nhấn mạnh việc tăng cường hệ thống thương mại đa biên có tính đến lợi ích của các nước đang và kém phát triển; khẳng định cam kết làm sâu sắc hơn hợp tác Á – Âu thông qua việc kêu gọi các bộ trưởng Kinh tế nhóm họp triển khai Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ đối tác kinh tế Á – Âu chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận và đi đến nhất trí phối hợp hành động đảm bảo an ninh lương thực; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai; hỗ trợ tái thiết các quốc gia bị ảnh hưởng của thiên tai; thực hiện phát triển bền vững (kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội với bảo vệ môi trường); tích cực tìm giải pháp đa phương cho vấn đề biến đổi khí hậu và tăng cường hợp tác về năng lượng, nhất là tiết kiệm năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng tái sinh…

Một vấn đề lớn khác cũng được các đại biểu đặc biệt chú trọng là tăng cường đối thoại giữa các nền văn hóa – văn minh và đối thoại tín ngưỡng. Hội nghị coi đây là một lĩnh vực quan trọng cần được quan tâm và đa dạng hóa nhằm góp phần quảng bá hình ảnh ASEM trên trường quốc tế; đồng thời khuyến khích mọi thành viên nhanh chóng phê chuẩn và thực hiện Công ước UNESCO về bảo vệ và thúc đẩy đa dạng văn hóa; hoan nghênh kết quả Diễn đàn Du lịch ASEM tổ chức tại Việt Nam trong năm nay và đánh giá cao quyết định tổ chức thường kỳ Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa ASEM (CMN). Là một thành viên luôn coi trọng và tham gia tích cực vào hợp tác ASEM, đoàn Việt Nam tham dự ASEM-7 đã có những đóng góp tích cực và chủ động nhằm thúc đẩy hợp tác ASEM đi vào thực chất, phát huy những lĩnh vực Việt Nam có lợi ích và thế mạnh, đặc biệt là 3 lĩnh vực Việt Nam tham gia trong Nhóm đi đầu là văn hóa, giáo dục và y tế.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (Ảnh: Xinhua)
3 sáng kiến của Việt Nam

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng về chủ đề tăng cường đối thoại giữa các nền văn hóa – văn minh, được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Trong bài phát biểu, Thủ tướng chỉ rõ vai trò to lớn của đối thoại giữa các nền văn hóa – văn minh Á – Âu trong việc làm giảm sự khác biệt, tạo dựng lòng tin, hiểu biết và thông cảm lẫn nhau giữa các quốc gia và khu vực, từ đó nhấn mạnh xu hướng hợp tác trong ASEM và tầm quan trọng của việc thực hiện Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh được thông qua tại Hội nghị ASEM-5 Hà Nội. Ngoài ra, đoàn Việt Nam cũng đưa ra 3 sáng kiến về hợp tác trong ASEM và đều được Hội nghị thông qua. Ba sáng kiến đó gồm: Phối hợp các hoạt động văn hóa nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh ASEM; Trao đổi kinh nghiệm về sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu và các bệnh mới nổi; và An ninh lương thực.

Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết vốn có, kết hợp với những bài học quý báu qua việc đối phó với thách thức của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, một lần nữa thế giới lại được chứng kiến sức mạnh đoàn kết của ASEM trong nỗ lực hợp tác đối phó với những thách thức toàn cầu. Mặc dù những khó khăn hiện nay có tính chất nghiêm trọng và khốc liệt hơn so với một thập kỷ trước đây, song với thực lực kinh tế mạnh hơn, giàu kinh nghiệm hơn và nỗ lực hợp tác cao hơn, các quốc gia thành viên ASEM đã nhất trí sẽ cùng giải quyết những khó khăn với một niềm tin vững chắc. Tin rằng chỉ có nỗ lực chung của tất cả các nước Á – Âu và toàn thể cộng đồng quốc tế mới tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp thế giới vượt qua cơn bĩ cực, duy trì hòa bình, ổn định thị trường tài chính thế giới và thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu vững mạnh./.