Trong 3 ngày (từ 6 - 8/5), Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ADMM) lần thứ 7 đã họp tại thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei) để thảo luận các biện pháp và hành động nhằm củng cố hơn nữa hợp tác an ninh và quốc phòng trong khối.

Con người và tương lai

Với chủ đề “Cùng nhau bảo vệ người dân, bảo vệ tương lai”, Hội nghị ADMM-7 đặt mục tiêu đẩy mạnh xây dựng lòng tin giữa các nước, trên cơ sở tăng cường nhận thức về các thách thức an ninh, quốc phòng trong khu vực cũng như nâng cao sự công khai và minh bạch.

hoinghi1-asean-lan-thu-7.jpg
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị. (ảnh: biengioilanhtho.gov.vn)

Cuộc họp đã nhấn mạnh vai trò của các nước thành viên trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và nêu bật tầm quan trọng của một ASEAN lấy con người làm trọng tâm để hướng tới tương lai.

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Năng lượng Brunei Haji Mohammad Yasmin, đồng thời là Chủ tọa ADMM lần này, đã kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các nước trong ASEAN nhằm thúc đẩy những nỗ lực chung ở cấp song phương và đa phương để đương đầu với các thách thức và duy trì môi trường ổn định vì sự tiến bộ và thịnh vượng trong khu vực.

Bốn văn kiện đã được hội nghị thông qua gồm: xây dựng chương trình tương tác quốc phòng ASEAN; thành lập khuôn khổ hỗ trợ hậu cần; thành lập nhóm làm việc của các chuyên gia ADMM+ về hành động nhân đạo xóa bom mìn; chuyển đổi vị trí đồng chủ tọa của nhóm chuyên gia ADMM+.

ADMM-7 cũng bày tỏ ủng hộ cam kết của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 22, theo đó làm việc tích cực với Trung Quốc để sớm đi đến ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trong phiên bế mạc Hội nghị đã ra tuyên bố: “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định để ủng hộ sự tăng cường sâu sắc các hợp tác kinh tế và mở rộng quan hệ nhân dân giữa ASEAN, để những thế hệ tương lai được thừa hưởng một cộng đồng ASEAN thịnh vượng”.

Nhiều sáng kiến được đề xuất

Hội nghị ADMM-7 lần này đã đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác nhằm duy trì an ninh, hòa bình khu vực và trên biển Đông. Về quân sự - quốc phòng, Hội nghị đã đưa ra sáng kiến “ngoại giao quốc phòng phi chính thức”, bao gồm các hoạt động: Tăng cường diễn tập quân sự, tương tác lực lượng quốc phòng giữa các quốc gia thành viên, hỗ trợ hậu cần trong khối, thỏa thuận không sử dụng vũ lực giữa các nước, lập Nhóm công tác hành động về bom mìn; thiết lập đường dây nóng với Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Ngoài ra, các thành viên còn đề xuất giao lưu văn hóa, thể thao giữa lực lượng các nước đang đồn trú tại các đảo ở Trường Sa.

Quá trình hội nghị, các Bộ trưởng đã nghe Tư lệnh Hải quân Indonesia giới thiệu về Diễn tập Hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa; cập nhật về Diễn tập Hỗ trợ nhân đạo và Cứu trợ thảm họa (HADR) kết hợp với Quân y (MM) trong khuôn khổ ADMM+ sẽ diễn ra tại Brunei từ ngày 16 đến 20/6 tới.

Trong cuộc họp tham vấn người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn đang có chuyến thăm tại Brunei. Ông Thường Vạn Toàn cũng khẳng định Trung Quốc ủng hộ ASEAN xây dựng cộng đồng chung, tăng cường giao lưu; nêu lại quan điểm cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố các bên về ứng xử biển Đông (DOC) và tiến tới hoàn thiện bộ Quy tắc ứng xử (COC).

Tuy nhiên, ông Thường Vạn Toàn vẫn nhắc lại lập trường giải quyết song phương các tranh chấp lãnh hải khác với quan điểm đa phương của ASEAN. Còn ASEAN tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm sớm đạt được COC, duy trì liên lạc hiệu quả giữa các bên để tránh hiểu lầm dẫn đến xung đột trên biển.

Trong tuyên bố chung khi kết thúc cuộc họp, Hội nghị cũng thống nhất đề xuất những biện pháp thực tiễn để tăng cường niềm tin và củng cố các mối quan hệ quân sự. Các Bộ trưởng Quốc phòng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì các kênh thông tin mở để tránh mâu thuẫn leo thang và những tính toán sai lầm trên biển Đông.

Đóng góp tích cực của Việt Nam

Phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh dẫn đầu tham dự Hội nghị. Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Năng lượng Brunei đã thông báo công tác chuẩn bị của nước chủ nhà cho ADMM-7, cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ công tác chuẩn bị của Brunei cho hội nghị và đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam về một số giải pháp hợp tác cụ thể như: Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hải quân; thiết lập đường dây nóng giữa hải quân các nước; tổ chức tuần tra chung trên biển; tổ chức giao lưu giữa lực lượng của các nước ASEAN đang đóng quân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (trong đó Việt Nam và Philippines sẽ thực hiện trước); đề xuất các nước ASEAN có thể ký thỏa thuận không sử dụng vũ lực trước và trong tranh chấp chủ quyền trên biển và thành lập “Nhóm chuyên gia ADMM+ về mìn nhân đạo”.

Như vậy, trong 3 ngày Hội nghị ADMM-7 đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng và đã thông qua tuyên bố chung của các Bộ trưởng về mục tiêu và hành động cụ thể nhằm “Bảo vệ nhân dân và tương lai của chúng ta”. Việt Nam là một trong những thành viên tích cực của Hội nghị, một số sáng kiến mà đoàn Việt Nam đưa ra đã được Hội nghị đặc biệt hoan nghênh.

Vì thế, dư luận quốc tế đang kỳ vọng vào hiệu quả tích cực của các chủ trương và giải pháp mà Hội nghị ADMM-7 đưa ra, sẽ góp phần bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực, nhất là trên Biển Đông./.