Ngày 5/7 là tròn một tháng mà 4 nước Arab tiến hành cắt đứt quan hệ ngoại giao, phong tỏa và trừng phạt kinh tế đối với Qatar, với các cáo buộc hỗ trợ khủng bố và can thiệp công việc nội bộ của các nước trong khu vực.
Ảnh minh họa: AP
Điều kiện đàm phán để nối lại quan hệ cũng đã được 2 bên đã đưa ra. Theo giới quan sát, danh sách 13 yêu cầu hay còn gọi là “tối hậu thư” mà Saudi Arabia và các nước đồng minh dành cho Qatar dường như đã “đổ thêm dầu vào lửa” cho cuộc khủng hoảng.
Và rằng các nước Arab đang muốn thắt chặt Qatar với các yêu sách vi phạm đến quyền tự quyết và chủ quyền của nước này. Còn với Qatar, bản danh sách “được đưa ra để bác bỏ” này là sự “vô lý”, không thể thực thi và có thể sẽ đẩy cuộc khủng hoảng vào một giai đoạn phức tạp hơn.
Tuy nhiên, 4 nước Arab đã gia hạn thời hạn chót thêm 48 tiếng đồng hồ, tức hết ngày 4/7, với hi vọng Qatar có thể phản ứng tích cực hơn đối với các yêu cầu của họ.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Al-Jubeir cho biết: “Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập hy vọng người anh em Qatar có thể phản ứng tích cực đối với các yêu cầu của chúng tôi, để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng”.
Với sự trung gian hòa giải của Kuwait, Qatar cũng đã gửi những phản hồi của mình tới 4 nước Arab. Tuy nhiên, nội dung phản hồi vẫn chưa được các bên tiết lộ với báo giới. Thậm chí, cho đến ngày 4/7, Ngoại trưởng UAE còn khẳng định, các nước Arab vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía Qatar.
Theo kế hoạch, hôm nay, Ngoại trưởng và giới lãnh đạo tình báo 4 nước Arab sẽ nhóm họp tại thủ đô Cairo, Ai Cập để bàn về các bước đi tiếp theo đối với Qatar. Các nhà phân tích khu vực ngay lập tức đã đưa ra 3 kịch bản tiếp theo cho cuộc khủng hoảng vùng Vịnh này.
Kịch bản thứ nhất, đó chính là việc 4 nước Arab sẽ siết chặt hơn nữa việc phong tỏa và đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Qatar. Truyền thông khu vực cho rằng, kịch bản này sẽ có nhiều khả năng xảy ra nhất dựa theo các diễn biến mới đây.
Theo các nhà phân tích, việc Qatar có thể “tự tin” bác bỏ các yêu cầu từ 4 nước Arab trước báo giới, nhiều khả năng xuất phát từ việc các biện pháp trừng phạt và cô lập của các nước Arab chưa đủ mạnh hoặc làm suy yếu Qatar.
Qatar vẫn nhận được sự ủng hộ của quốc tế về mặt ngoại giao, cộng thêm sự hỗ trợ và cung cấp lương thực từ phía Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã giúp nước này tránh được một cuộc khủng hoảng lương thực do bị cô lập.
Tình hình kinh tế của Qatar cũng chưa bị thiệt hại quá nhiều do các chính sách tăng sản lượng khí đốt tự nhiên của nước này- nguồn thu đảm bảo ổn định tài chính của Qatar.
Tuy nhiên, nếu các nước Arab tăng thêm các biện pháp trừng phạt cô lập và kinh tế mới đối với Qatar, thì nước này sẽ khó có thể đứng vững như hiện nay hay nói cách khác là phải nhượng bộ. Đây là điều mà 4 nước Arab đang tính đến.
Trong những ngày qua, 4 nước Arab đã ám chỉ việc đóng băng tư cách thành viên Qatar trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và áp đặt thêm các lệnh trừng phạt về kinh tế đối với nước này.
Theo Đại sứ UAE tại Nga, ông Omar Ghabbas, việc cho Qatar ra khỏi GCC “không phải là một trừng phạt duy nhất có thể” và các nước Arab đang nghiên cứu một số trừng phạt mới.
Tờ báo Kim tự tháp của Chính phủ Ai Cập cũng khẳng định, các biện pháp trừng phạt mới đang chờ đợi Qatar khi hạn chót kết thúc, đó là siết chặt, tẩy chay kinh tế, bao gồm việc đóng băng các khoản tiền gửi của Qatar tại 4 nước Arab. Tuy nhiên, tờ báo không đề cập khối lượng các khoản tiền gửi này.
Bên cạnh đó, kịch bản “xấu nhất” phủ bóng cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay chính là việc 4 nước Arab sử dụng quân đội để tấn công Qatar cũng đã được các nhà phân tích đưa ra.
Theo thông tin trên tờ báo Kim tự tháp của Ai Cập, 4 nước Arab có thể phải thành lập một căn cứ quân sự chung tại Bahrain nếu như Qatar không đáp ứng các yêu cầu khi hạn chót kết thúc.
Dù giới lãnh đạo 4 nước Arab vẫn chưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin này nhưng kịch bản này khó có thể xảy ra do chưa nhận được “tín hiệu đèn xanh” từ phía Mỹ – một đồng minh quan trọng của các nước vùng Vịnh.
Bởi theo Ngoại trưởng Qatar Shaykh Mohammed Bin Abdul Rahman Al Thani, hiện Mỹ và Qatar đã đạt được thỏa thuận về việc giải quyết khủng hoảng thông qua đàm phán hòa bình.
Kịch bản cuối cùng đối với cuộc khủng hoảng vùng Vịnh là Qatar và 4 nước Arab đạt được sự đồng thuận nhằm chấm dứt khủng hoảng. Tuy nhiên, kịch bản này dường như không thể xảy ra trong một tương lai gần, do các bên vẫn kiên định theo đuổi quan điểm lập trường của mình.
Kịch bản nào sẽ xảy ra cho cuộc khủng hoảng vùng Vịnh sẽ được dần định hình thông qua các cuộc thảo luận giữa các nhà Ngoại trưởng 4 nước Arab, dự kiến sẽ diễn ra trong ngày hôm nay.
Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng tiếp tục kéo dài, thì cả Qatar và 4 nước Arab đều bị “tổn thất”. Do đó, giải pháp có tốt nhất chính là các bên tham gia “đối thoại trực tiếp”. Chỉ có đối thoại mới đẩy các bên nhích lại gần nhau để thực hiện kịch bản thứ ba, giúp tình hình khu vực “vốn đã rất căng thẳng” trở nên yên bình hơn./.
Các nước Arab Vùng Vịnh dần “xuống nước” với Qatar?