Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan hôm qua (16/9) cho biết, Hội đồng Chỉ đạo Cải cách quốc gia gồm 200 thành viên, trong đó 50 thành viên là sĩ quan quân đội, 60 người là các cựu thành viên Hội đồng cải cách cuốc gia (NRC), số còn lại được lựa chọn từ các đảng phái chính trị, các nhà lập pháp và các học giả.

si_quan_thai_lan_ifjr.jpg
Sĩ quan quân đội Thái Lan. Ảnh: Photoshelter.

Trong khi đó, bà Rosana Tositrakul, một cựu thành viên của Hội đồng Cải cách Quốc gia (NRC) cho rằng, tỷ lệ công chức và sĩ quan quân đội được đề nghị trong Hội đồng Chỉ đạo Cải cách Quốc gia là khá cao, đây là một trong những nguyên nhân khiến nỗ lực trong công cuộc cải cách đất nước trước đây bị bế tắc.

Bà Rosana bày tỏ sự nghi ngờ công cuộc cải cách khó có thể thực hiện được nếu Hội đồng chỉ đạo mới có tới 90 trong tổng số 200 thành viên là công chức và sĩ quan quân đội, những người chỉ làm việc mang tính hành chính, giờ giấc; và cho rằng Hội đồng chỉ đạo phải gồm nhiều thành viên đến từ các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, đại diện được cho người dân và hiểu những vấn đề xã hội cần được giải quyết.

Dư luận Thái Lan đa số ủng hộ việc mời các chính trị gia đại diện cho các đảng phái tham gia Hội đồng chỉ đạo cải cách, tuy nhiên, cũng khuyến cáo chỉ nên mời những chính trị gia có trình độ và tâm huyết mong muốn đóng góp chứ không mời những ngưới có ý định xấu, chỉ tìm cách ngăn cản công cuộc cải cách đất nước.

Đề cập đến vấn đề này, ông Abhisit Vejjajiva, lãnh đạo đảng Dân chủ cho biết, ông có thể giới thiệu một số thành viên tham gia Hội đồng chỉ đạo cải cách nếu được yêu cầu, nhưng họ không phải đại diện cho đảng Dân chủ./.