Trong tuyên bố đăng trên kênh Telegram của mình, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bày tỏ rằng, tình hình ở Ukraine trở nên trầm trọng hơn là kết quả của việc không thực hiện các thỏa thuận Minsk do hành động của các nước NATO, được Mỹ kích động. Theo ông, "việc từ chối các thỏa thuận này là vi phạm luật pháp quốc tế và dẫn đến sự xuất hiện của các mối đe dọa nghiêm trọng đối với Liên bang Nga, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Nga, đồng thời trở thành một trở ngại cho mối quan hệ tốt đẹp giữa các nước láng giềng". 

Về vấn đề này, Caracas kêu gọi tìm kiếm một giải pháp ngoại giao thông qua đối thoại giữa các bên liên quan đến xung đột nhằm tránh leo thang và bảo toàn tính mạng của người dân cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực. Ngoài ra, chính quyền Venezuela lên án các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Liên bang Nga, gọi các biện pháp này là bất hợp pháp và vi phạm nhân quyền.

Trước đó, Điện Kremlin cho biết, theo sáng kiến ​​của phía Iran, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran Seyyed Ebrahim Raisi. Nhà lãnh đạo Nga đã thông báo về những diễn biến tình hình xung quanh Ukraine trong bối cảnh quyết định tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm bảo vệ dân thường của các nước cộng hòa Donbass phù hợp với luật pháp quốc tế và nghĩa vụ theo các hiệp định hữu nghị và tương trợ với DPR và LPR .

Về phần mình, Tổng thống Iran bày tỏ sự hiểu biết về những lo ngại về an ninh của Nga do các hành động gây bất ổn của Mỹ và NATO.

Tổng thống Nga cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Thủ tướng Ấn Độ cảm ơn sự làm rõ tình hình hiện nay về Ukraine và đề nghị hỗ trợ trong việc đảm bảo an ninh cho các công dân Ấn Độ hiện đang ở Ukraine. Tổng thống Nga nói rằng các chỉ thị cần thiết sẽ được đưa ra.

Một số vấn đề về hợp tác song phương đã được đề cập trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh Nga-Ấn được tổ chức vào tháng 12/2021 tại New Delhi. Hai bên đã đồng ý về các liên hệ tiếp theo ở các cấp độ khác nhau.

Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Theo điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trao đổi nghiêm túc và thẳng thắn về tình hình Ukraine. Tổng thống Putin đã giải thích cặn kẽ về lý do và hoàn cảnh quyết định tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt.

Cuộc tấn công của Nga vào lãnh thổ Ukraine sẽ kéo dài bao lâu?

VOV.VN - Phương Tây gọi cuộc tiến công vừa rồi của Nga nhằm vào Ukraine là một cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định đây chỉ là một "chiến dịch quân sự đặc biệt", không phải là chiến tranh. Chiến dịch có quy mô lớn, triển khai đồng loạt ở nhiều nơi nhưng có thể sẽ không kéo dài lâu.

Trong một diễn biến liên quan, một quan chức thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc hôm nay (25/2) cho biết, Hàn Quốc không thể đơn phương áp đặt lệnh trừng phạt riêng với bất cứ nước nào.

Nếu Mỹ và châu Âu áp lệnh trừng phạt lên Nga thì Hàn Quốc cũng có phần liên quan trong đó, nên không thể tránh khỏi việc cùng tham gia lệnh trừng phạt một cách tự nhiên. Điều này có nghĩa là Hàn Quốc sẽ tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế với tư cách là thành viên của cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, Tổng thống Moon Jae-in cùng ngày đã mở cuộc họp đội ngũ cố vấn về tình hình Ukraine, ra chỉ thị Nhóm chuyên trách đối phó khẩn cấp với tình hình Ukraine tổ chức họp hàng ngày để rà soát tình hình, chuẩn bị các biện pháp ứng phó trước.

Theo truyền thông Hàn Quốc, Hàn Quốc khó có thể đưa ra biện pháp cấm vận với Nga và đang tích cực thực hiện các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp đang hoạt động tại Nga và Ukraine, tránh rủi ro ở mức thấp nhất.

Về việc Hàn Quốc có đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga hay không, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng, trong trường hợp Nga bất chấp cảnh cáo của cộng đồng quốc tế, tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện với Ukraine dù dưới bất cứ hình thức nào, thì chính phủ Hàn Quốc sẽ không còn cách nào khác là tham gia vào lệnh cấm vận với Nga, như kiểm soát xuất khẩu sang Nga.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, chính phủ nước này đang xem xét mọi phương án trong khả năng, nhằm giảm thiểu thiệt hại có thể phát sinh tới nền kinh tế và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Chính phủ quyết định sẽ thực thi một cách nhanh chóng hơn nữa các biện pháp cần thiết, như hỗ trợ công dân sơ tán và xuất cảnh trong tình huống khẩn cấp, tiếp tục hướng dẫn an toàn và khuyến khích công dân rút khỏi Ukraine, hỗ trợ tư vấn về đầu tư thương mại và chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp.

Hiện tại, Hàn Quốc một mặt tỏ lập trường thận trọng trong việc tham gia vào lệnh cấm vận của Mỹ với Nga, nhưng mặt khác cũng đã truyền đạt lập trường đề nghị Nga kiềm chế. 

Theo các chuyên gia, hiện Nga là quốc gia quan trọng trong chính sách phương Nam mới của Hàn Quốc, nên việc đưa ra biện pháp trừng phạt là khó xảy ra. Nga là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hàn Quốc, quy mô giao dịch lớn, và nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Nga. Hơn nữa, hai nước Hàn-Nga cũng đang hợp tác ở lĩnh vực năng lượng, như nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga.

Trước đó, chính phủ Hàn Quốc đã không tham gia vào lệnh cấm vận Nga do Mỹ khởi xướng khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014./.