Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh rút khỏi Quy chế Rome về việc thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế sau khi tòa án có trụ sở ở La Hay, Hà Lan này tuyên bố việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea là hành động “xung đột vũ trang” vớiUkraine.

duterte_alqa.jpg
Ông Duterte. Ảnh: Reuters.

Trước đó, tòa án này cũng ra phán quyết bất lợi cho Nga trong cuộc xung đột ở Gruzia năm 2008. Theo Bộ Ngoại giao Nga, Tòa án Hình sự quốc tế “không đáp ứng được kỳ vọng trở thành một tòa án quốc tế thực sự độc lập, có thẩm quyền” và lại “thiếu hiệu quả" khi chỉ ra được 4 phán quyết trong 14 năm tồn tại và tiêu tốn hơn 1 tỷ USD.

Không chỉ Nga, gần đây Nam Phi, Burundi và Zambia cũng đã chính thức gửi công văn tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon thông báo về việc sẽ rút ra khỏi Tòa án Hình sự quốc tế vì cho rằng tòa án này tập trung xử lý quá nhiều nhân vật ở châu Phi.

Phát biểu trước khi lên đường tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Lima, Peru, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết, ông cũng có thể theo chân Nga rút khỏi tòa án này vì những chỉ trích của phương Tây đối với các biện pháp truy quét tội phạm ma túy trong nước.  

Hồi tháng 10, Thượng nghị sỹ Philippines, bà Leila de Lima đã kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra Tổng thống Duterte vì chiến dịch truy quét ma túy đẫm máu ở nước này. 

Đáp lại, Trưởng công tố Tòa án Hình sự quốc tế Fatou Bensouda cho biết cơ quan này đang theo dõi sát sao diễn biến ở Philippines để đánh giá liệu có mở một cuộc điều tra sơ bộ hay không./.