Nga và Pháp liệu có thể trở thành đồng minh? Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17/11 đã lệnh cho các các tàu chiến của nước này triển khai ngoài khơi Địa Trung Hải “liên lạc trực tiếp” với tàu sân bay Charles de Gaule của Pháp, dự kiến rời cảng Toulon trong ngày 18/11.
Phát biểu tại cuộc họp Bộ Chỉ huy tham mưu quân sự thảo luận về các chiến dịch quân sự tại Syria, ông Putin yêu cầu các lực lượng nước này làm việc với Pháp như với “các đồng minh”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (ảnh: newsmax.com). |
“Một tàu sân bay của Pháp sẽ sớm tiệp cận với tuần dương hạm của Nga. Các bạn cần thiết lập một đường dây liên lạc trực tiếp với Pháp và làm việc với họ như với các đồng minh. Bộ Quốc phòng đã nhận được chỉ thị phù hợp. Cần phải xây dựng một kế hoạch chung kể cả trên biển và trên không”, Tổng thống Nga Putin cho biết.
Gần như đồng thời với tuyên bố này, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 17/11 cho biết, Nga đang “rục rịch hành động” trong hồ sơ Syria khi tấn công vào các vị trí của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Theo ông Jean-Yves Le Drian, cũng trong ngày 17/11, các tên lửa tự hành của Nga đã tấn công Raqqa, thành trì của nhóm khủng bố ở miền Đông Syria. Trong khi đó, 10 máy bay chiến đấu của Không quân Pháp cũng tiến hành các đợt không kích mới xuống thành phố này trong đêm thứ 3 liên tiếp.
Theo phủ Tổng thống Nga, sự diễn ra đồng thời của những đợt không kích này và sự hợp tác giữa các tàu chiến Nga- Pháp nằm trong khuôn khổ một sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa hai nước kể từ sau vụ tấn công tại Paris. Dự kiến Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Pháp Hollande sẽ gặp nhau vào ngày 26/11 tới.
Những khởi đầu cho một sự xích lại gần nhau giữa Nga và Pháp phần nào gây bất ngờ cho giới quan sát, nhất là do những căng thẳng mới đây giữa hai nước. Theo các nhà phân tích, nếu nhìn vào các sự kiện từ xung đột liên quan tới việc Nga sáp nhận bán đảo Crimea, đến sự đổ vỡ của hợp đồng mua bán tàu tấn công đổ bộ Mistral giữa hai nước, thì có thể nhận thấy sự thiếu nhất quán trong chính sách của Pháp.
Tháng 8 năm ngoái, Pháp đã từ chối bàn giao 2 tàu chiến lớp Mistral cho Nga do bất đồng liên quan tới cuộc khủng hoảng Ucraina, tức là phá vỡ hợp đồng mua bán trị giá tới 1,2 tỷ euro.
Mới đây nhất, tháng 10 vừa qua, các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, các đồng minh Arab tại vùng Vịnh và Pháp đã cáo buộc Nga phát động chiến dịch không kích nhằm vào các lực lượng đối lập tại Syria, hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Syria al- Assad.
Có thể thấy, các vụ tấn công xảy ra gần như đồng thời trong ngày 13/11 tại thủ đô Paris đã làm thay đổi mọi chuyện. Phát biểu trước Quốc hội tại điện Versailles, Tổng thống Pháp Hollande đã tuyên bố, từ nay đối với nước Pháp, kẻ thù chính tại Syria là nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng, một kẻ thù khó có thể đánh bại nếu không có Nga, đồng nghĩa với việc đẩy liên minh do Mỹ dẫn đầu xuống vị trí thứ 2.
Ông Hollande cũng tuyên bố tập hợp tất cả những nước có thể thực sự tham gia cuộc chiến chống khủng bố trong năm nay thành “một liên minh rộng lớn và duy nhất”, giống như lời kêu gọi của Tổng thống Nga Putin hồi cuối tháng 9 vừa qua trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về "một liên minh toàn cầu thực sự chống khủng bố".
Tuy nhiên, cái bắt tay giữa Nga và Pháp, dù có được hiện thực hóa, cũng sẽ rất hạn chế. Một sự phối hợp trong lĩnh vực tình báo hay tiếp liệu là có thể dù mục tiêu chính trị có khác nhau, song để có thể đi xa hơn thì sẽ rất khó và phức tạp về mặt chính trị và kỹ thuật.
Đơn cử như trang thiết bị quân sự giữa hai nước là không tương thích hay đơn giản là không phải binh sĩ Nga nào cũng có thể nói tiếng Anh. Chính vì thế, theo các chuyên gia, đây chủ yếu là chiến lược “hiệu ứng thông báo” của Pháp.
Nước này hy vọng Mỹ và Nga, vốn được coi là những nước thực sự dẫn dầu cuộc chiến, sẽ có sự thỏa hiệp. Nếu Pháp đơn phương hợp tác với Nga, Mỹ có thể đóng cửa một số chương trình hợp tác với Pháp, đặc biệt là liên quan tới việc tiếp liệu và tình báo. Hai ngày trước khi lên đường tới Nga, Tổng thống Hollande ngày 24/11 sẽ tới Mỹ để gặp Tổng thống Barack Obama./.