Liên Hợp Quốc hôm qua (7/1), thông báo đã chấp nhận yêu cầu xin gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) của Palestine.

nha_nuoc_palestine_nrqi.jpgNhững người ủng hộ Nhà nước Palestine (ảnh: PressTV)
Theo đó, nước này sẽ chính thức trở thành thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế từ ngày 1/4 tới. Đây được xem là một chiến thắng có ý nghĩa biểu tượng cao đối với Palestine, giúp nước này có một chỗ đứng mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế.

Văn phòng báo chí của Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm qua công bố thời gian Palestine chính thức trở thành thành viên của Toà án Hình sự Quốc tế (ICC). Thông báo cũng được đăng trên trang web chính thức của Liên Hợp Quốc.

Quyết đinh này sẽ cho phép Tòa án Hình sự Quốc tế có trụ sở tại La Hay từ ngày 1/4 tới có quyền xét xử tội ác chiến tranh do bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào thực hiện trên lãnh thổ Palestine, mà không cần thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Israel và Mỹ đều không phải là một bên theo quy chế Rome, nhưng công dân của hai quốc gia này có thể bị xét xử vì hành động do họ thực hiện trên lãnh thổ Palestine.

Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nói: “Yêu cầu của Palestine tham gia 16 hiệp ước đa phương, trong đó có Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế là phù hợp với các quy tắc quốc tế liên quan vấn đề này. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã chắc chắn về tính đúng đắn của yêu cầu trước khi chấp nhận và đã thông báo cho tất cả các quốc gia liên quan.”

Đây được xem là một chiến thắng có ý nghĩa biểu tượng cao đối với Palestine, giúp nước này có một chỗ đứng lớn hơn trên trường quốc tế. Có thể nói, Tổng thống Palestine Ma-mút Áp-bát đã có bước đi có thể coi là mạnh mẽ nhất kể từ khi lên nắm quyền năm 2005 nhằm tạo thế cân bằng trong cuộc đối đầu với Israel. Tuy nhiên, con đường đi tới một nhà nước độc lập và có chủ quyền của Palestine vẫn còn nhiều chông gai.

Trong khi Palestine nỗ lực gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế để có thể kiện Israel về các hành vi chiếm đóng bất hợp pháp và về các chiến dịch đẫm máu trên dải Gaza, thì Israel cũng không chịu ngồi yên và đã gửi đơn kiện các nhà lãnh đạo Palestine phạm tội ác chiến tranh lên tòa án này. Không chỉ gia tăng đối đầu trong cuộc chiến pháp lý, Israel còn đưa ra biện pháp trừng phạt kinh tế với Palestine.

Trong một phản ứng đầu tiên sau tuyên bố của Liên Hợp Quốc, Chính phủ Mỹ cho rằng, Palestine không đủ cư cách tại Tòa án Hình sự Quốc tế bởi đây không phải là một quốc gia có chủ quyền. Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psaki tuyên bố: “Mỹ không cho rằng Palestine là một nhà nước có chủ quyền và không công nhận điều này, cũng như không cho rằng Palestine có đủ tư cách để nhận được quy chế Rome tại Tòa án Hình sự Quốc tế.”

Trước đó, chính phủ Mỹ cũng cảnh báo cắt khoản hỗ trợ tài chính dành cho nước này. Israel và Mỹ lo ngại rằng, với tư cách là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế, Palestine sẽ tiếp tục nỗ lực cô lập Nhà nước Do Thái Israel và khiến các quan chức Israel khó đi ra nước ngoài, nếu nước này theo đuổi việc cáo buộc Israel phạm tội ác chiến tranh.

Chính phủ Mỹ cho rằng, đây là bước đi phản tác dụng, không phản ánh nguyện vọng của người dân Palestine, hủy hoại bầu không khí cần thiết cho hòa bình.

Hiện Mỹ không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế nên không rõ Mỹ có những quyền nào hay sử dụng ảnh hưởng của mình như thế nào để ngăn chặn động thái này. Song có một điều chắc chắn là người Palestine dường như cũng sẽ không chịu lùi bước. Chính phủ nước này đã khẳng định sẽ tiếp tục trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự thảo nghị quyết yêu cầu chấm dứt ách chiếm đóng của Israel và tiến tới một Nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền vào năm 2017, dù chắc chắn sẽ vấp phải sự phủ quyết của Mỹ. Bởi người Palestine tin rằng, cuộc đấu tranh của họ sẽ ngày càng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế./.