Trong vòng 1 giờ sau khi ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden được các báo “gọi tên” là Tổng thống đắc cử, ban chiến dịch của ông Trump bày tỏ ông sẽ từ chối thừa nhận thất bại.
“Sự thật đơn giản là cuộc bầu cử này còn lâu mới kết thúc”, ông Trump nói trong một tuyên bố ngày 7/11.
Phá vỡ truyền thống 124 năm
Nếu ông Trump từ chối có bài phát biểu công khai thừa nhận thất bại hoặc gọi điện chúc mừng đối thủ Biden, ông sẽ phá vỡ truyền thống 124 năm của Mỹ. Các chuyên gia cho rằng điều đó cũng sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả bầu cử và dấy lên căng thẳng chính trị vốn đã được bộc lộ trong suốt chiến dịch tranh cử, cũng như khiến việc kiểm phiếu bị gây tranh cãi và kéo dài.
“Điều đó thực sự sẽ có nhiều tác hại”, William Howell, Trưởng khoa khoa học chính trị Đại học Chicago cho biết.
“Các bài phát biểu chấp nhận thất bại là một hành động xác nhận tính hợp pháp của các cuộc bầu cử”, ông nói. Việc các ứng cử viên thua cuộc chấp nhận kết quả bầu cử và kêu gọi những người ủng hộ làm điều tương tự là rất quan trọng đối với nền dân chủ của nước Mỹ.
Ông Trump thường không thừa nhận sai lầm hay thất bại. Ông thường thiên về việc gây nên những chia rẽ hơn là gàn gắn, như những tuyên bố công khai cũng như trên Twitter của ông những ngày gần đây.
Trước đó, khi ông Biden ngày càng tiến gần tới chiến thắng, ông Trump đã có bài phát biểu và đưa ra nhiều tuyên bố vô căn cứ về gian lận bầu cử và cáo buộc đảng Dân chủ đang tìm cách “đánh cắp” cuộc bầu cử, nhưng lại không đưa ra bằng chứng nào về điều này.
Hôm 7/11, luật sư của ông Trump, Rudy Giuliani, nói một cách thẳng thắn rằng: “Ông ấy sẽ không nhận thua”. Và chiến dịch của ông Trump bắt đầu một loạt kế hoạch khởi kiện ra tòa về kết quả bầu cử.
Một số người cho rằng ông Trump sẽ xuất hiện và nhận thua chỉ khi điều đó là để bảo vệ vị thế chính trị riêng của ông.
Ông Trump không phải là ứng cử viên thua cuộc đầu tiên đặt câu hỏi về kết quả bầu cử, theo Scott Farris, tác giả của “Suýt trở thành Tổng thống: Người thua cuộc nhưng làm thay đổi đất nước”.
“Ví dụ như Richard Nixon đã từng cho rằng ông bị gian lận năm 1960 trong cuộc đua với John Kennedy ở Texas và Illinois. Nhưng ông đã thừa nhận rằng nếu ông không thể hiện mình là người thua cuộc có bản lĩnh, tương lai chính trị của ông có thể sẽ kết thúc”, Farris nói
Theo ông Farris, ông Trump trước sau gì cũng sẽ nhận ra điều tương tự. Ông có thể sẽ thừa nhận mình là người thua cuộc bất mãn, nhưng như vậy có thể sẽ ảnh hưởng xấu tới con cháu ông – những người dường như cũng có những tham vọng chính trị của riêng mình.
Phát biểu nổi tiếng của Thượng nghị sỹ John McCain
Kể từ năm 1896, gần như mọi ứng viên tổng thống thua cuộc trong lịch sử Mỹ đều có thông điệp chấp nhận thất bại, có thể là bằng một bức điện gửi tới người chiến thắng, hoặc qua bài phát biểu toàn quốc được phát trên truyền hình.
“Một số người có thể cảm thấy giận dỗi”, Farris nói, đề cập tới việc Barry Goldwater nhận thua trước Lyndon Johnson năm 1964 và việc George McGovern năm 1972 trước Richard Nixon.
Một trong số những sự kiện đáng nhớ nhất là khi Thượng nghị sỹ John McCain nhận thua trước ông Barack Obama năm 2008.
“Người Mỹ một khi đã lên tiếng, họ sẽ nói rất rõ ràng. Vừa mới đây tôi đã có cuộc điện thoại với Thượng nghị sỹ Barack Obama”, ông McCain bắt đầu bài phát biểu bên ngoài trụ sở chiến dịch ở Phoenix.
Đám đông ngắt lời bài phát biểu của ông bằng những tiếng la ó phản đối, nhưng McCain vẫn tiếp tục và ra hiệu cho họ hãy giữ trật tự.
“Làm ơn”, ông nói với họ và tiếp tục rằng ông đã chúc mừng Obama “được bầu làm tổng thống tiếp theo của nước Mỹ mà mọi người đều yêu mến”.
Ông McCain còn nhấn mạnh việc ông Obama trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, đồng thời cam kết sẽ làm mọi điều có thể trong khả năng để giúp ông ấy lãnh đạo đất nước vượt qua mọi thách thức.
“Tôi xin gửi lời chúc thượng lộ bình an tới người đàn ông đã từng là đối thủ của tôi và sẽ trở thành tổng thống của tôi”, Thượng nghị sỹ Arizona nói khi đó.
Nhận thua vì sự đoàn kết và nền dân chủ
Ông Howell nói rằng, các bài phát biểu nhận thua thường sẽ đề cập một số chủ đề chính trong đó có lòng yêu nước vượt lên trên đảng phái.
Tổng thống đương nhiệm gần đây nhất thất bại khi tái tranh cử là George H. W. Bush. Giống như những người khác, ông dùng bài phát biểu nhận thua của mình để kêu gọi người Mỹ đoàn kết ủng hộ đối thủ của ông – Bill Clinton.
“Chúng tôi tôn trọng sự cao quý của hệ thống dân chủ. Nước Mỹ sẽ luôn được đặt lên hàng đầu, vì thế chúng ta phải ủng hộ tổng thống mới và chúc ông sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình”, ông Bush nói.
Trong một văn bản cá nhân gửi tới Clinton, ông Bush còn bày tỏ: “Thành công của ông giờ là thành công của đất nước chúng ta”.
Trong bài phát biểu nhận thua năm 2016, bà Hillary Clinton nói về việc bà cảm thất rất đau buồn khi thua cuộc, nhưng bà kêu gọi những người ủng hộ bà hãy cho ông Trump một cơ hội.
“Tôi biết các bạn cảm thấy thất vọng như thế nào, vì tôi cũng cảm thấy điều đó. Donald Trump sẽ là tổng thống của chúng ta. Chúng ta nợ ông ấy một quan điểm cởi mở và cơ hội để lãnh đạo”, bà Clinton nói.
Trong cuộc bầu cử nhiều tranh cãi năm 2000, cựu Phó Tổng thống Al Gore đã gọi điện cho ông George W. Bush để nhận thua ngay sau ngày bầu cử. Tuy nhiên, ông Gore nhanh chóng có một cuộc điện thoại khác để rút lại tuyên bố nhận thua khi các kết quả kiểm phiếu ở bang quan trọng Florida ngày càng thu hẹp cách biệt giữa 2 ứng viên.
Gore và Bush sau đó vướng vào 36 ngày bế tắc chính trị và cuối cùng cũng kết thúc khi Tòa án Tối cao ra phán quyết dừng việc kiểm phiếu lại ở Florida. Bush thắng với cách biệt 537 phiếu ở Florida và đắc cử tổng thống.
“Chỉ vài phút trước tôi đã nói chuyện với George W. Bush và chúc mừng ông ấy trở thành tổng thống thứ 43 của nước Mỹ. Tôi đã cam kết với ông ấy rằng lần này tôi sẽ không gọi lại cho ông ấy nữa”, ông Gore nói ngày 13/12 trong bài phát biểu nhận thua.
“Chắc chắn là dù không đồng tình với quyết định của tòa án, nhưng tôi chấp nhận điều đó. Và đêm nay, vì sự đoàn kết và vì nền dân chủ mạnh mẽ của chúng ta, tôi chấp nhận thất bại”, Gore nói.
Ông Farris cho rằng, sẽ là một đòn mạnh giáng vào nền dân chủ nếu ông Trump từ chối nhận thua và chấp nhận chiến thắng của ông Biden.
Nếu ông Trump không làm điều đó thì cũng không sao cả. Dù vậy, theo ông Farris, nước Mỹ vốn không thích những người thua cuộc và họ sẽ nhanh chóng bị lãng quên và khó tìm được chỗ đứng trong lịch sử Mỹ./.