Trở thành một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) từ lâu đã là niềm mong ước của nhiều nước, đặc biệt tại khu vực Đông Âu. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế của khối đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn cùng những tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine, tâm lí bất mãn ngày càng gia tăng trong nội bộ các nước thành viên.
Ngày 28/10, Hungary cảnh báo sẽ rút khỏi Liên minh châu Âu nếu khối này can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của nước này.
Chủ tịch Quốc hội Hungary Kövér László cho rằng, Hungary có thể xem xét về tư cách thành viên Liên minh châu Âu vì những điều khoản mà Liên minh áp đặt đối với quốc gia này.
Mặc dù khẳng định đây chỉ là một kịch bản “ác mộng”, nhưng các chính trị gia Hungary đều thừa nhận, các giá trị châu Âu vượt quá xa so với Hungary và nước này cần phải tự quyết định tương lai của chính mình.
Tuyên bố này đưa ra sau khi Liên minh châu Âu lên án kế hoạch của Hungary đánh thuế Internet, coi đó là mối đe dọa mới đối với tự do và tăng trưởng kinh tế của Liên minh châu Âu.
Thực tế, việc chính phủ Hungary bất mãn với Liên minh châu Âu không phải là điều gì quá mới mẻ. Thủ tướng Hungary Victor Orban đã nhiều lần bộc lộ sự không đồng tình đối với cách giải quyết của khối khi khủng hoảng kinh tế nổ ra tại châu lục này cách đây 6 năm.
Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, nhiều nước châu Âu lâm vào hoàn cảnh khó khăn phải đề nghị sự hỗ trợ của các nước khác. Tuy nhiên, để nhận được sự hỗ trợ này thì các nước xin cứu trợ phải đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe mà khối đưa ra.
Không chỉ Hungaria, nhiều nước khác trong khối như Bungaria hay Romania cũng đều không hài lòng với những qui định ngặt nghèo do các nước đầu tàu của khối đặt ra.
Những mâu thuẫn gia tăng khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra và Liên minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế của Hungary mà còn nhiều nước khác trong khối có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Nga.
Thủ tướng Hungaria Orban kêu gọi Liên minh châu Âu cần cân nhắc lại các biện pháp trừng phạt đối với Nga, vì điều này đang làm phương hại tới nền kinh tế của các nước thành viên trong khối.
Vốn phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, chính phủ Hungary đã quyết định dừng ngay việc cung cấp khí đốt ngược lại cho Ukraine sau khi Nga lên tiếng cảnh báo, bất chấp sự chỉ trích của một số quốc gia thành viên trong khối.
Các cuộc biểu tình phản đối Liên minh châu Âu cũng đã nổ ra tại các nước như Ba Lan, kêu gọi Liên minh bồi thường cho những thiệt hại do các biện pháp trừng phạt này gây ra đối với họ.
Một thành viên khác cũng đang ngày càng bộc lộ rõ quan điểm xa Liên minh châu Âu, đó là Anh. Thủ tướng Anh David Cameron cam kết sẽ đàm phán lại về mối quan hệ với Liên minh châu Âu nếu ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào tháng 5 năm tới, trước khi tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên trong Liên minh của nước này vào năm 2017.
Với sức ép từ đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) chống xu hướng liên kết với Liên minh châu Âu (EU), cũng như các nghị sĩ có lập trường thận trọng với Liên minh châu Âu trong Đảng bảo thủ, Thủ tướng Cameron bắt đầu đưa ra lập trường cứng rắn hơn với Liên minh châu Âu.
Những từ ngữ mạnh mẽ như “cách hành xử không chấp nhận được” được thủ tướng Anh Cameron dùng gần đây để phản đối qui định của Liên minh châu Âu yêu cầu nước này đóng góp thêm 2,1 tỉ euro vào ngân sách của khối.
Ông Cameron cũng khẳng định sẽ không trả khoản tài chính này vào ngân sách chung theo yêu cầu của Liên minh châu Âu vào ngày mùng 1/12 tới và kêu gọi khối cần phải cải cách.
Ông Cameron nói: “Đây là một điều không thể chấp nhận được. Nó không chấp nhận được đối với hoạt động của một tổ chức, đột nhiên đưa ra một hóa đơn với số lượng tiền lớn bắt bạn phải trả trong thời gian ngắn. Đây cũng là điều không thể chấp nhận được đối với nước Anh, một trong những nước đóng góp lớn nhất của EU”.
Là một thành viên của một tổ chức lớn như Liên minh châu Âu, các nước đều được hưởng những lợi ích cơ bản, đặc biệt là về kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội thế giới có nhiều biến đổi, những cách thức và qui định chung của Liên minh châu Âu nhiều khi không còn phù hợp với tình hình thực tế.
Lãnh đạo nhiều nước châu Âu gần đây cũng lên tiếng kêu gọi cải tổ Liên minh châu Âu, nhằm đáp ứng hơn nữa nguyện vọng và lợi ích của tất cả các nước thành viên trong khối. Sự rạn nứt giữa các nước trong Liên minh châu Âu diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế của khu vực đang tiếp tục đối mặt với sự phục hồi không chắc chắn với nhiều cảnh báo về nguy cơ suy thoái mới./.