Tuy nhiên, quyết định của Hội đồng Nobel Na Uy chính là một thông điệp về sức mạnh của đối thoại gửi đến khu vực bất ổn nhất thế giới là Trung Đông và Bắc Phi.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia phát biểu sau khi nhận được tin giành giải Nobel Hòa bình 2015. Ảnh EPA |
Giải thưởng trao cho nhóm “Bộ tứ” trung gian đối thoại hòa bình tại Tunisia, gồm Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia (UGTT), Hiệp hội Công nghiệp, Thương mại và Thủ công Tunisia (UTICA), Liên đoàn Nhân quyền Tunisia (LTDH) và Nhóm Luật sư Tunisia, vì đã đóng vai trò là nhà trung gian và động lực thúc đẩy hòa bình và dân chủ tại quốc gia được coi là nơi khởi nguồn của làn sóng biểu tình dẫn đến những chính biến trên khắp các nước Trung Đông và Bắc Phi.
Nhờ thế, Tunisia đã được coi là hình mẫu cho tiến trình chuyển giao dân chủ một cách hòa bình tại một khu vực đến nay vẫn chìm đắm trong bạo lực và những cuộc nổi dậy.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia, một trong 4 tổ chức nhận giải Nobel Hòa bình năm nay, ông Hussein Abassi chia sẻ: “Đây là chiến thắng của Tunisia nói chung chứ không phải của riêng nhóm Bộ Tứ thúc đẩy đối thoại chúng tôi.
Phần thưởng này nên bao gồm 22 đảng phái chính trị đã tin tưởng rằng đối thoại là cách duy nhất cứu lấy đất nước này. Một vài trong số này đã phải hy sinh rất nhiều trong suốt quãng thời gian đó.
Đây là một thông điệp tích cực cho những nước đang trải qua xung đột và có nguy cơ bị xóa sổ. Nhân dịp này tôi muốn kêu gọi tất cả các lực lượng dân sự ở Tunisia hãy tin tưởng vào sức mạnh của họ để đưa ra những sáng kiến nhằm đoàn kết các bên đối đầu và tìm giải pháp chính trị cho đất nước này tiếp tục ổn định”.
Quyết định của Hội đồng Nobel Na Uy khi trao giải Nobel Hòa bình năm nay cho nhóm “Bộ tứ” trung gian đối thoại hòa bình tại Tunisia thay vì Giáo hoàng Francis hay Thủ tướng Đức Angela Merkel như dự đoán của nhiều người được cho là một bất ngờ. Bởi trước đó, nhóm “Bộ Tứ” Tunisia không được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng trong quá trình chờ công bố Giải thưởng.
Nhưng thông cáo của Hội đồng Nobel Nauy đã chỉ rõ, “hơn hết, giải thưởng này nhằm mục đích khích lệ người dân Tunisia, những người đã bất chấp nhiều thách thức lớn để đặt nền móng cho một quốc gia mà hội đồng hy vọng sẽ là ví dụ cho nhiều nước khác”.
Thực tế đã chỉ ra rằng, Tunisia là quốc gia duy nhất trong khu vực chịu khó kiến tạo dân chủ, thu hút nhiều thế lực chính trị và xã hội tham gia xây dựng hiến pháp, luật pháp và các thiết chế dân chủ.
Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi cho rằng, việc nhóm “Bộ Tứ” Tunisia nhận Giải Nobel Hòa bình không phải là một điều đơn giản: “Chúng tôi không thể vượt qua những thách thức an ninh mà không có sự đoàn kết của tất cả người dân Tunisia dù họ theo cánh tả, cánh hữu hay trường phái ôn hòa. Chúng ta phải hiểu rằng chúng ta đang trong cuộc chiến chống khủng bố và chúng ta chỉ có thể chiến thắng nếu đoàn kết”.
Hãng tin AP nhận định, giải thưởng này là chiến thắng to lớn đối với đất nước Tunisia nhỏ bé mà nền dân chủ non trẻ và chưa chắc chắn đã gánh chịu 2 vụ tấn công hồi tháng 3 và tháng 6/2015 làm chết 60 người và phá hoại nghiêm trọng ngành công nghiệp du lịch của họ.
Các nhà lãnh đạo châu Âu và Liên Hợp Quốc cũng hoan nghênh quyết định trên của Ủy ban Nobel. Nhà sử học về giải Nobel, ông Oeyvind Stenersen cho rằng: “Giải Nobel Hòa bình năm nay rất tuyệt vời vì nó đi vào tâm điểm cuộc xung đột trong thế giới Hồi giáo”./.