Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã để lại ấn tượng tốt đẹp không chỉ bởi phong cách thân thiện, cởi mở mà còn bởi những câu nói hết sức ấn tượng, thể hiện sự hiểu biết sâu rộng của ông.

ob4_xgcs.jpg
Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang. (Ảnh: AP) 

Ngày 23/5, trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang sau hội đàm, Tổng thống Mỹ sau khi gửi lời cảm ơn Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã không quên liên hệ sự hiếu khách của người dân Việt Nam với thứ thức uống quen thuộc là cà phê.

Tổng thống Obama nói: "Một lần nữa, tôi xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Trần Đại Quang về sự hiếu khách, xin cảm ơn về những công việc chúng ta đã phối hợp cùng nhau, tôi mong chờ dịp được gặp gỡ người dân Việt Nam, biết đâu tôi sắp được cùng họ nhâm nhi ly ‘cà phê sữa đá’ (Ông Obama nói bằng tiếng Việt). Tôi tin tưởng rằng mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ có thể sẽ là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong khu vực”.

Khi được hỏi tại sao phải đến những ngày tháng cuối của nhiệm kỳ hai Tổng thống, ông mới đến Việt Nam, ông Obama đã khéo léo nói rằng: “Tôi lẽ ra nên đến Việt Nam sớm hơn. Người Mỹ chúng tôi có câu ‘Save the best for last’ (Tạm dịch: Giữ lại điều tốt đẹp nhất đến phút cuối). Việt Nam là một đất nước tươi đẹp. Rất tiếc là lịch trình của tôi quá bận rộn, vì thế, tôi hy vọng khi về hưu có thể cùng gia đình đến Việt Nam để tìm hiểu thêm về con người, về ẩm thực nơi đây”.

Sau đó, tại bữa tiệc chiêu đãi do Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì trưa 23/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, ông Obama dẫn lại câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" để tôn vinh những người có công xây đắp mối quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ như ngày nay.

Tổng thống Mỹ nâng cốc chúc mừng tại bữa tiệc chiêu đãi. (Ảnh: AP)

Tổng thống Obama nói: “Tôi được biết ở Việt Nam có một câu tục ngữ, đó là: 'Ăn quả nhớ kẻ trồng cây'.Hôm nay, chúng ta cùng có mặt ở đây để bày tỏ sự kính trọng, trân trọng những người đã đến trước chúng ta - những người Việt Nam và người Mỹ, những người đã trồng cây và chăm cho cái cây đó trở thành đối tác toàn diện giữa hai nước”.

“Đối với các bạn, xung đột trong quá khứ là một ký ức không vui. Nhưng ngày hôm nay, Việt Nam và Mỹ đã cho thế giới thấy rằng, trái tim có thể thay đổi và hòa bình là điều có thể. Chúng tôi cám ơn Ngoại trưởng Kerry và tất cả các cựu chiến binh của Mỹ cũng như Việt Nam, những người không chỉ can đảm chiến đấu mà còn có can đảm để tạo ra hòa bình”, ông Obama nói thêm.

Tổng thống Mỹ cũng cho rằng, đôi khi các cựu chiến binh còn giúp chỉ ra những con đường. Để minh chứng cho nhận định này, ông Obama đã kể về một người lính Mỹ quay trở lại Việt Nam sau chiến tranh kết thúc để gặp gỡ những người lính Việt Nam ở bên kia chiến tuyến năm xưa và nhận được sự đón tiếp nồng hậu chân thành bằng cái bắt tay và câu nói: “Giờ đây chúng ta là những người bạn”.

Bình luận về câu chuyện này, Tổng thống Obama cho rằng, không có những toan tính chính trị, tất cả chỉ còn là hành động đẹp của những con người với nhau.

Trước các quan khách, Tổng thống Mỹ cũng ví Việt Nam với hình ảnh của Hoa Sen.

Tôi được biết ở Việt Nam các bạn luôn lấy nguồn cảm hứng từ hoa sen bởi lẽ hoa sen mọc từ trong bùn, và do đó, nó chính là biểu tượng của hy vọng. Nó sống và vươn lên ở những nơi mà các loại hoa khác không thể tồn tại vì thế nó là biểu tượng của sức mạnh và sự can trường. Nó toả hương và khoe sắc vì vậy nó chính là biểu tượng cho cái đẹp. Tôi đề nghị nâng cốc chúc mừng vì tinh thần hoa sen, vì sự kiên trì và hy vọng của Việt Nam, vì sức mạnh và sự can trường của mối quan hệ hai nước chúng ta, vì những nét đẹp của hai dân tộc chúng ta và vì mong muốn được sống trong hòa bình, công lý!”.

Tổng thống Mỹ có bài phát biểu về quan hệ Việt - Mỹ tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. (Ảnh: Reuters)

Ngày 24/5, trước hàng nghìn thanh niên và quan khách, trong bài phát biểu về quan hệ Việt – Mỹ ở trung tâm Hội nghị Quốc gia, Tổng thống Barack Obama gửi lời cảm ơn Chính phủ và người dân Việt Nam đã dành cho ông sự đón tiếp nồng nhiệt: “Sự thân thiện của các bạn đã chạm đến trái tim tôi. Nhiều người đã vẫy chào tôi bên đường… Hôm qua tôi đi thăm phố phường Hà Nội và được ăn những món ăn rất ngon như bún chả, uống vài chai bia Hà Nội(Từ 'bún chả' và 'bia Hà Nội' được ông Obama nói bằng tiếng Việt - PV)”.

Tổng thống Mỹ cũng không quên nói về một đặc trưng khác của Việt Nam đó là giao thông, ông Obama hóm hỉnh: “Tôi phải nói rằng tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều xe máy như thế khi đi trên đường Hà Nội. Tôi chưa thử cảm giác băng qua đường và nếu sau này có dịp trở lại tôi sẽ cần các bạn chỉ cho tôi cách qua đường thế nào”.

Những câu nói hóm hỉnh của Tổng thống Mỹ khiến nhiều người thích thú. (Ảnh: Reuters)

Dẫn người nghe đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, Tổng thống Mỹ nhắc lại những câu thơ trong bài Thơ Thần của Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam vua Nam ở. Rành rành định phận ở sách trời”, khẳng định chủ quyền quốc gia, chủ quyền dân tộc của Việt Nam.

Ông Obama không ngần ngại nói về quá khứ đau thương giữa hai dân tộc nhưng cho rằng, giờ là lúc nhìn về tương lai: “Thế hệ người Mỹ trước đây đã đưa quân đến Việt Nam, nhưng thế hệ sau của người Mỹ đến đây để mang lại những điều tốt đẹp, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị hai nước”.

Nói về quan hệ ngày càng được cải thiện giữa hai nước, ông Obama cho biết, Mỹ đón nhiều sinh viên Việt Nam hơn bất kỳ nước nào khác ở Đông Nam Á. Rất nhiều khách du lịch Mỹ đã đến thăm Việt Nam để tham quan phố cổ Hà Nội, các cửa hàng ở Hội An, cố đô Huế...

Những hiểu biết về Việt Nam của Tổng thống Mỹ khiến người nghe hoàn toàn bị thuyết phục. (Ảnh: Reuters)

Về định hướng tương lai của mối quan hệ này, ông Obama dẫn lời bài hát Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao nói: “Từ nay người biết quê người. Từ nay người biết thương người. Với vai trò là Tổng thống, tôi muốn tiếp tục những sự tiến bộ này của quan hệ hai nước và với quan hệ đối tác toàn diện của chúng ta ngày càng gần gũi hơn, hợp tác sâu rộng hơn”.

Tổng thống Obama cũng cho biết, ông tự tin vào sự phát triển của mối quan hệ song phương bởi niềm tin của ông có cơ sở khi nhìn vào lịch sử, nhìn vào những thách thức mà hai nước đã nỗ lực để vượt qua.

Ông Obama nói: “Như Trịnh Công Sơn viết bài hát ‘Nối vòng tay lớn’ để mở tấm lòng của mình ra nhìn thấu suốt trái tim mình. Tương lai nằm trong tay các bạn. Mỹ luôn là đối tác và là người bạn của Việt Nam. Sau này, khi người Mỹ, Việt Nam học cùng nhau, cùng lập ra các doanh nghiệp, cùng phối hợp sáng tạo với nhau, tôi hy vọng các bạn nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây trước các bạn, như Nguyễn Du từng viết, ‘Rằng trăm năm cũng từ đây…”./.