Theo Bộ phòng vệ Nhật Bản, tên lửa này bay xa khoảng 500 km và có thể đạt tối đa 800 km. Tuy nhiên, tên lửa đã rơi xuống ngoài Vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản (EEZ). Đến thời điểm này, chưa có xác nhận nào về thiệt hại về tàu thuyền.
Bộ phòng vệ Nhật Bản cho biết, đây là lần thứ 13 nước này phóng tên lửa từ đầu năm đến nay, đồng thời phê phán mạnh mẽ đây là hành vi không thể chấp nhận, đe dọa tới hòa bình và an ninh của khu vực và quốc tế, vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nhật Bản đã kháng nghị việc này với Triều Tiên.
Mặt khác, đang trong chuyến thăm Mỹ, Bộ trưởng phòng vệ Nhật Bản Kishi Nobuo cho rằng trong bối cảnh quốc tế đang phải đối mặt với cuộc xung đột Nga-Ukraine, hành động phóng tên lửa của Triều Tiên là khó chấp nhận. Chính phủ Nhật Bản sẽ theo dõi sát tình hình, hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc để có biện pháp ứng phó thích hợp.
Kể từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã 13 lần phóng tên lửa bao gồm tên lửa đạn đạo. Trong tháng 1 có 7 lần, tháng 2 có 1 lần, tháng 3 có 3 lần và tháng 4 có 1 lần. Trong đó, tên lửa đạn đạo phóng vào ngày 24/3 đã rơi xuống Vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản (EEZ). Điều này chứng tỏ Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển tên lửa, và có khả năng chế tạo những tên lửa vươn tới cả lãnh thổ Mỹ.
Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc ngày hôm nay cũng lên án đây là hành vi uy hiếp nghiêm trọng, gây tổn hại tới hòa bình và ổn định Bán đảo Triều Tiên, đồng thời hối thúc Triều Tiên dừng khiêu khích. Quân đội nước này đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ các động thái liên quan, duy trì trạng thái sẵn sàng đối phó với khả năng Triều Tiên phóng tiếp tên lửa.
Được biết, vào thời điểm Triều Tiên phóng tên lửa, máy bay trinh sát Cobra Ball (RC-135S) của Mỹ đã xuất kích tới không phận Bán đảo Triều Tiên.
Phía Hàn Quốc cho rằng, vụ phóng tên lửa lần này của Bình Nhưỡng còn được cho là nhằm báo hiệu về việc nước này sẽ tiếp tục đẩy cao khiêu khích chiến lược trước thềm ra mắt Chính phủ mới của tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ./.