Một nhóm các nhà nghiên cứu địa chấn Nhật Bản vừa công bố đã phát hiện manh mối lý giải nguyên nhân gây ra trận động đất lịch sử tại nước này hồi tháng 3/2011, làm hơn 19.000 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người mất nhà cửa.

dong%20dat.jpg
Cảnh tan hoang sau thảm họa động đất sóng thần hồi tháng 3/2011 ở Nhật Bản (Ảnh: AFP)

Dựa vào các mô phỏng trên máy tính, 2 nhà khoa học Hiroyuki Noda thuộc Viện khoa học công nghệ địa chất-hải dương Nhật Bản và Nadia Lapusta thuộc Viện Công nghệ California, Mỹ cho biết, trận động đất mạnh 9 độ richter gây sóng thần tại vùng Đông Bắc Nhật Bản, xảy ra trong khu vực được gọi là “đường rãnh Nhật Bản” – nơi mảng địa tầng Thái Bình Dương nằm dưới mảng địa tầng Okhotsk, đúng vị trí quần đảo Nhật Bản.

Trước đó, rãnh Nhật Bản được cho là tương đối ổn định và chỉ xảy ra hiện tượng “đứt gãy từ từ” có nghĩa là những chuyển động của các khối địa tầng diễn ra chậm và không có quá nhiều xáo trộn đột ngột. Tuy nhiên, qua một thời gian dài, sức chịu đựng của phân đoạn này đang yếu dần. Trong khi đó, các chất lỏng nóng chảy ở các tầng địa chất rò rỉ qua chỗ đứt gãy này tạo ra cơ chế bôi trơn, giúp đẩy nhanh tiến trình đứt gãy.

Các nhà khoa học trên cho rằng, cơ chế này chính là nguyên nhân gây ra các trận động đất có cường độ mạnh chưa từng thấy. Các nhà khoa học cho biết, họ hy vọng công trình của mình sẽ có ích cho các nỗ lực dự báo và đối phó động đất trong tương lai. Một số chuyên gia cũng cho rằng chương trình đối phó động đất của Nhật Bản hiện quá tập trung vào rủi ro cho khu vực Tokyo, nằm khá xa về phía nam so với trận động đất 2011./.