Những ngày qua, cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên Hợp Quốc, Mỹ, Anh liên tục hối thúc các bên trong cuộc xung đột tại Yemen ngay lập tức ngừng giao tranh và thực thi những bước đi cần thiết để tiến tới ký kết một thỏa thuận chính trị. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh hàng triệu người dân Yemen đang phải đương đầu với nạn đói cận kề.

chien_binh_houthi_cgsg_lptu.jpg
Chiến binh Houthi tại Yemen. Ảnh: Reuters.

Hôm qua (31/10), Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Yemen, ông Martin Griffiths hối thúc các bên trong cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này nối lại đàm phán hòa bình. Phát biểu với báo giới, ông Griffiths kêu gọi tất cả các bên liên quan hãy nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia vào những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm nhanh chóng nối lại hoạt động tham vấn và tiến tới các cuộc đàm phán chính trị.

Ông Griffiths đồng thời cho biết, Liên Hợp Quốc cam kết đưa các bên trong cuộc xung đột tại Yemen ngồi vào bàn đàm phán trong vòng một tháng. Cùng ngày, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố ủng hộ lời kêu gọi của Mỹ về việc ngừng leo thang các hành động thù địch tại Yemen.

Phát biểu trong phiên họp Quốc hội Anh, bà Theresa May khẳng định:“Chắc chắn chúng ta ủng hộ lời kêu gọi của Mỹ, theo đó hối thúc tất cả các bên trong cuộc xung đột tại Yemen nhất trí với những bước đi hướng tới một lệnh ngừng bắn. Nhưng một lệnh ngừng bắn sẽ chỉ có ảnh hưởng trên thực tế nếu nó được củng cố bằng một thỏa thuận chính trị giữa các bên trong cuộc xung đột và Ngoại trưởng Anh đã thảo luận với đặc phái viên của Liên Hợp Quốc Martin Griffiths về vấn đề này. Họ đã nhất trí rằng Anh sẽ tiếp tục khuyến khích tất cả các bên tại Yemen nhất trí với một thỏa thuận chính trị lâu dài”.

Trước đó, ngày 30/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch ở Yemen và các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc đứng đầu nhằm chấm dứt cuộc nội chiến. Trong một tuyên bố, ông Pompeo nêu rõ, các vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nhóm phiến quân Houthi chống lại Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cần phải chấm dứt. Ngoại trưởng Mỹ đồng thời kêu gọi liên quân quốc tế do Saudi Arabia đứng đầu nên ngừng không kích tại tất cả những khu vực có đông dân cư.

Yemen là một trong những nước nghèo nhất trong Khối Arab và đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ. Cuộc nội chiến kéo dài gần 4 năm vừa qua giữa Nhóm phiến quân Houthi và quân Chính phủ đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng và gần 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Riêng tại thành phố cảng Hodeidah và các khu vực lân cận, giao tranh leo thang những ngày vừa qua đã khiến hơn 550.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong nước và họ đang phải đương đầu với một tình cảnh nghiêm trọng. Ông Adnan Abdullah Hassan, một quan chức phụ trách khu lều trại cho người dân Hodeidah bày tỏ: “Khu lều trại này cách xa các thành phố, vì vậy người dân ở đây không thể ra ngoài để mua đồ dùng và họ cũng không có tiền. Đôi khi Chính phủ Yemen cử các bác sỹ đến đây, nhưng họ đến lúc 11h và rời đi sau đó một tiếng. Họ chỉ kê một số đơn thuốc. Mọi người ở đây chẳng có bất cứ thứ gì. Những điều kiện tại đây thật tồi tệ”.

Mới đây, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Mác Mark Lowcock đã cảnh báo về một nạn đói khủng khiếp sắp xảy ra tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề này và đã yêu cầu thực hiện một lệnh ngừng bắn nhân đạo nhằm đảo ngược tình hình. Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông Lowcock cho biết, theo ước tính mới nhất hiện có 14 triệu người Yemen, tức khoảng một nửa tổng dân số nước này, nhiều khả năng phải đối mặt với nạn đói và họ hoàn toàn phải dựa vào sự trợ giúp từ bên ngoài để tồn tại./.