Hôm nay (21/5), Ngoại trưởng Malaysia tới thăm Myanmar để thảo luận về cuộc khủng khoảng di dân Đông Nam Á.

Hôm qua (20/5), Indonesia và Malaysia đã đề nghị tạm thời tiếp nhận hàng nghìn người đang mắc kẹt trên những con tàu lênh đênh ở ngoài khơi, một động thái mang tính đột phá có thể giảm nhẹ tình trạng nguy hiểm đối với người tị nạn.
nguoi_nhap_cu_rohingya_ncpp.jpg
Người Rohingya (NYTimes)

Ngọai trưởng Malaysia Anifah Aman sẽ thảo luận với Ngoại trưởng Myanmar U Wunna Maung Lwin tại Naypyidaw để trao đổi quan điểm về sự di chuyển bất thường của một bộ phận cư dân, đặc biệt là nạn buôn người, đưa người vượt viên trái phép ở Đông Nam Á.

Hơn 3 tuần qua, khoảng 3.000 người, chủ yếu là người Hồi giáo Rohingya, Myanmar và người Bangladesh đã tìm cách lên tàu vượt biên trái phép nhưng bị chủ tàu bỏ rơi trên biển. Khủng hoảng nhân đạo đối với người nhập cư đã buộc Malaysia tiến hành cuộc họp khẩn cấp với các Ngoại trưởng Indonesia, Thái Lan trong ngày hôm qua.

Mặc dù Indonesia và Malaysia đồng ý cho một số di dân lưu trú trong 1 năm nhưng kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế bởi đây là cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu, chứ không phải vấn đề riêng của khu vực.

Phó Thủ tướng Indonesia Jusuf Kalla nêu rõ, người Rohingya sẽ được lưu trú trong vòng một năm,  nhưng người tị nạn Bangladesh sẽ bị trả ngay về nước.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn Rohingya. Trong khi đó, Thái Lan tuyên bố không có khả năng tiếp nhận thêm người nhập cư vì đã quá tải với hàng chục nghìn người tị nạn Myanmar. Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, khoảng 4.000 di dân hiện vẫn lênh đênh ở trên biển./.