Thời nào cũng thế, âm nhạc luôn được ví như một thứ vũ khí tinh thần. Tại Mali, nơi cuộc chiến chống lại các nhóm vũ trang Hồi giáo vẫn đang diễn ra ác liệt, các nghệ sĩ đã tập hợp nhau lại, cùng ghi âm một bản nhạc kêu gọi hòa bình, với hy vọng âm nhạc có thể giúp hàn gắn nỗi đau chiến tranh và hòa giải.

dan-mali.jpg
Người dân Mali phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn luật Hồi giáo hà khắc đến nương náu trong các trại tạm ở Sevare, Mali (Ảnh: AP)

“Chúng tôi không muốn chiến tranh. Kẻ thù muốn áp đặt luật hồi giáo hà khắc. Hãy nói với chúng rằng, Mali không thể bị chia rẽ và cũng không thể thay đổi. Hãy hành động để đất nước không rơi vào tay kẻ thù, để thế hệ con cháu mãi ngẩng cao đầu.Đây là lời bài hát “Mali-Ko” (tạm dịch là Hòa bình tại Mali) mà khoảng 40 nhạc sĩ và ca sĩ Mali đã làm việc không ngừng nghỉ suốt 3 ngày để thu âm, thể hiện mong muốn một Mali thống nhất và không có sự chiếm đóng của các tay súng hồi giáo cực đoan ở miền Bắc.

Trong bối cảnh Mali đang chìm sâu vào khủng hoảng sau cuộc đảo chính quân sự hồi đầu năm 2012, các nghệ sĩ Mali, mà rất nhiều trong số đó là những người có ảnh hưởng trong nước đã công khai thể hiện lập trường của mình.

Nữ ca sĩ Oumou Sangaré, một trong những nghệ sĩ hàng đầu Mali là người tiên phong viết nhạc kêu gọi đoàn kết dân tộc. Hồi tháng 6 vừa qua, bà đã viết bài hát mang tên “Hòa bình” và biểu diễn tại nhiều nước trên thế giới. Sau bà đã có rất nhiều nghệ sĩ Mali đã gửi mong muốn hòa bình của mình trong lời ca tiếng nhạc.

Các nghệ sĩ Mali cho biết: “Quả thực là rất khó khăn. Cũng giống như những người khác, chúng tôi có rất ít cơ hội để thể hiện hoặc đơn giản là thỏa mãn niềm say mê của mình, vì đất nước đang lâm vào khủng hoảng, chiến sự leo thang”; “Trước đây chúng tôi thường tổ chức 5 buổi hòa nhạc mỗi tuần, nhưng nay chỉ có hai. Thậm chí ca nhạc biểu diễn mừng đám cưới cũng không thể”.

Trên thực tế, tại Mali, các nghệ sĩ hiện nay gặp nhiều khó khăn trong hoạt động nghệ thuật. Tại miền Nam, các buổi biểu diễn âm nhạc không thể tổ chức và nhiều lần bị hoãn vì lý do an ninh. Nhà chức trách lo ngại, những sự kiện như thế này có thể là mục tiêu của những kẻ khủng bố. Vì thế, cơ hội được thể hiện khả năng, niềm say mê của mình là rất hiếm hoi. Trong khi đó tại miền Bắc, cuộc sống của các nghệ sĩ thậm chí bị đe dọa. Từ tháng 8/2012, các nghệ sĩ đã bị cấm chơi nhạc cụ, nghe nhạc và thậm chí là đặt nhạc chuông cho điện thoại di động.

Trong khi đó, Festival âm nhạc trên sa mạc một sự kiện âm nhạc quốc tế nổi tiếng diễn ra hàng năm tại thành phố Timbouctou ở miền Bắc nước này có thể không thể diễn ra do bất ổn. Sự kiện này vốn là dịp để các du dân người Touareg và những nghệ sĩ đến từ miền Tây tụ họp lại tạo thành lễ hội âm nhạc nổi tiếng khắp thế giới mà người ta gọi là Festival trên cát. Theo ông Manny Ansar - nhà tổ chức sự kiện này, do bất ổn nên cơ hội diễn ra sự kiện này là rất hiếm. Song nếu được tổ chức, một Festival như thế này có thể mang lại hy vọng cho các nghệ sĩ nói riêng và đất nước Mali nói chung.

Trong những ngày tới, các nghệ sĩ Mali sẽ có chuyến lưu diễn tại Anh và Pháp để kêu gọi hòa bình cho Mali. Theo nghệ sĩ Arnaud Contreras, âm nhạc là một nhân tố thống nhất đất nước./.