Khu vực Trung Đông luôn là mối quan tâm lớn trong chính sách đối ngoại của Nga. Dù những năm 1990, Nga rút lui khỏi khu vực này một thời gian ngắn nhưng ngay cả khi đó Nga vẫn không hoàn toàn rời đi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tìm kiếm ít nhất 15 năm để đưa Nga trở lại Trung Đông, chính thức khôi phục Nga trở thành một nước đóng vai trò quan trọng ở Trung Đông và có ảnh hưởng trong khu vực. 

1_dxyz.jpg
Nga có thể đóng một vai trò quan trọng ở Trung Đông (Ảnh: Alquds)

Từ nhiều năm qua, Nga đã cho thấy rõ tầm quan trọng của Trung Đông trong chính sách đối ngoại của mình. Nga đã xây dựng và duy trì mối quan hệ với các nước lớn trong khu vực để đạt được ảnh hưởng đáng kể.

Chiến lược của Nga ở Trung Đông ngày càng thành công khi các đồng minh của Mỹ trong khu vực tiếp tục cảm thấy không chắc chắn và đôi khi hoài nghi về các cam kết của Mỹ. Trong khi đó, Nga tiếp cận khu vực bằng chính sách thân thiện gắn với lợi ích chính trị và kinh tế chung.

Chính vì vậy nhiều nước như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ đang nghiêng về phía Nga. Nhiều quốc gia vùng Vịnh cũng mở cửa và khuyến khích hợp tác với Nga nhất là trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng, hạt nhân, đầu tư và cả quân sự.Sự can thiệp của quân đội Nga vào Syria kể từ năm 2015 để ủng hộ chế độ của Bashar al-Assad được cho là bất ngờ, bởi vì Nga đã không sử dụng lực lượng quân sự để tham gia vào các cuộc xung đột khu vực trong nhiều thập kỷ qua. Đây cũng chính là thời điểm đánh dấu sự quay trở lại công khai và mạnh mẽ của Nga.

Tuy nhiên chính sách của Nga ở khu vực là hợp tác, linh hoạt và không đối trọng với các lợi ích của Mỹ. Nga không chỉ lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại trong 8 năm qua mà còn định hình lại các định hướng theo cách tiếp cận địa chính trị về năng lượng và ngoại giao năng lượng vì lợi ích khu vực và quốc tế của Nga và vai trò toàn cầu của Nga.Năng lượng được cho là lý do mà Trung Đông chiếm một vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Nga. Các công ty Nga gần đây đã tăng cường sự hiện diện ở thị trường Trung Đông như năng lượng hạt nhân, dầu mỏ, khai thác mỏ,… đang thu được lợi ích kinh tế và thương mại lớn đúng vào thời điểm nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn nghiêm trọng.

Nga đã có nhiều hợp đồng dầu mỏ và khí đốt với Syria, Libya, Saudi Arabia UAE, trong đó Nga đã giành quyền khai thác các mỏ khí đốt và dầu khổng lồ của Syria.  Song song với việc khôi phục ảnh hưởng ở Trung Đông bằng cách tích cực tham gia vào các cuộc khủng hoảng của khu vực, các chính sách của Nga để giành lại vị trí của mình trong hệ thống quốc tế bằng cách củng cố các liên minh với các cường quốc đang trỗi dậy ở Trung Đông, hợp tác chống lại các mối đe dọa an ninh, đặc biệt là chủ nghĩa cực đoan và khủng bố.

Với mục đích này, Nga đã được nhiều nước trong khu vực chào đón. Nga đã có nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự và mua bán vũ khí ở Trung Đông, trong đó có các thương vụ chuyển giao S300 tới Syria, S-400 tới Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều hợp đồng quân sự, vũ khí khác với các nước trong khu vực. Đây cũng là một thông điệp xác nhận về quyền bá chủ khu vực của Nga.

Chiến lược này vừa thúc đẩy doanh số bán vũ khí của Nga vừa làm nơi thử nghiệm vũ khí của nước này. Vào tháng 12/2017, Tổng thống Putin đã ký một đạo luật để mở rộng các căn cứ Tartus và Hmeymim nhằm thiết lập sự hiện diện thường trực của Nga tại Syria. Bên cạnh các cảng của Syria, Nga nhìn sang Ai Cập và Libya cũng như Bắc Phi rộng lớn hơn. Đây được xem là một cách tiếp cận thực tế và hiệu quả về chi phí. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu của Nga là đạt được ưu thế hàng hải ở Biển Đen và Đông Địa Trung Hải.Nga tích cực tham gia vào giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực như một trung gian tin cậy, trong đó có vấn đề hạt nhân Iran, khủng hoảng ở vùng Vịnh, khủng hoảng ở Yemen, Libya, xung đột Israel – Palestine.

Chính sách hợp tác và không can thiệp vào chính trị nội bộ các nước Trung Đông của Nga đã ngày càng tạo được ảnh hưởng lớn. Thực tế cho thấy Nga đang lấy lại một phần lớn vai trò của mình trên trường quốc tế. Đáng chú ý, chính sách đối ngoại của Nga đã tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ chính trị, ngoại giao, kinh tế và quân sự cho các đồng minh chủ chốt) ./.