Xung đột xảy ra giữa người dân và lực lượng cảnh sát chống bạo động tại thủ đô Kathmandu của Nepal hôm 29/4, khi những người sống sót sau thảm họa động đất trở nên giận dữ do không thể trở về với gia đình, trong khi các kho dự trữ cũng đang dần cạn kiệt. Các quan chức Nepal cũng thừa nhận, các hoạt động cứu hộ, cứu trợ còn chậm và cam kết sẽ thúc đẩy hoạt động này hiệu quả hơn.
Hơn 200 người dân Nepal tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô Kathmandu yêu cầu chính phủ tăng số xe phương tiện đưa người dân ra khỏi thủ đô, cũng như cải thiện hoạt động phân phát hàng viện trợ. Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát chống bạo động và những người dân. Chính phủ cho biết vẫn chưa tiếp cận được một số khu vực, đặc biệt là những khu vực vùng núi mặc dù hàng cứu trợ quốc tế đang đổ về Nepal từ khắp nơi trên thế giới. Một trong những khó khăn cho lực lượng cứu hộ hiện nay là lở tuyết vấn tiếp tục xảy ra tại một số khu vực. Các nhóm cứu trợ cũng cho biết, việc tiến sâu vào gần khu vực tâm chấn động đất gặp nhiều khó khăn. Người phát ngôn Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc Jens Laerke cho biết: “Chúng tôi đang tiếp cận từng bước chậm vào khu vực vùng núi xa xôi, gần tâm chấn của động đất. Theo đánh giá của chúng tôi tình hình tại những khu vực này thực sự rất tồi tệ”.
Bộ trưởng Truyền thống Nepal Minendra Rijal thừa nhận, thảm họa này có qui mô không lường trước được. Việc kiểm soát hoạt động cứu hộ và cứu trợ vẫn chưa hiệu quả. Chính phủ đang giám sát và cải thiện hoạt động này. Ông Rijal nói: "Bộ trưởng Bộ Cung cấp và Thương mại công nghiệp sẽ đứng đầu một ủy ban lên kế hoạch chính cho việc quản lí các hàng cứu trợ từ các nước đưa tới Nepal. Dựa trên các kế hoạch đó chúng tôi sẽ thực hiện và phân phát hàng viện trợ mà chúng tôi đã nhận được gần đây".
Tại thủ đô Kathmandu và các thành phố khác, bệnh viện cũng đang quá tải với số người bị thương đổ về. Bí thư Đối ngoại Nepal Shanker Bairagi kêu gọi sự hỗ trợ của những chuyên gia y tế nước ngoài cũng như các nhóm tìm kiếm và cứu hộ, bất chấp những thông tin trước đó cho rằng Nepal không cần thêm sự hỗ trợ.
Thủ tướng Nepal Sushil Koirala trong ngày 29/4 cũng đã đến các bệnh viện để đánh giá tình hình .5 ngày sau khi động đất xảy ra, cơ hội để tìm những người còn sống sót trong đống đổ nát hầu như là không còn. Tuy vậy, vẫn có những điều kì diệu đã xảy ra khi nhóm cứu hộ cứu được một người đàn ông sau 80 giờ mắc kẹt. Một trong những dấu hiệu cho thấy cuộc sống đã trở lại bình thường tại thủ đô Kathmandu là một số cửa hàng đã bắt đầu mở cửa trở lại. Một chủ cửa hàng tại Kathmandu cho biết: “Trong 3- 4 ngày qua cửa hàng của chúng tôi đã phải đóng cửa. Tuy nhiên tình hình đã tốt lên vì vậy tôi đã mở cửa trở lại. Thiệt hại là rất lớn. Hàng hóa của tôi đã hỏng hết cả rồi. Chúng tôi không biết điều gì sẽ tiếp tục xảy ra và chúng tôi sẽ sống sót ra sao. Tôi hi vọng mọi người sẽ được an bình”.
Các ngân hàng tại Kathmandu cũng đã mở cửa trong vài giờ và các máy ATM hoạt động trở lại cho người dân rút tiền. Tuy nhiên, hàng nghìn người xếp hàng tại các bến xe buýt để ra khỏi thành phố. Nhiều người cho biết họ muốn về quê để tìm kiếm thông tin về người thân, nhưng cũng có nhiều người lo sợ ở thủ đô gần tâm chấn động đất.
Cho tới nay, Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc và Ixraen đã điều trực thăng chở hàng viện trợ tới các vùng núi hẻo lánh bị ảnh hưởng sau trận động đất kinh hoàng vừa qua. Trong khi đó, Bỉ, Philipespin cũng đều cử phái đoàn nhân viên cứu trợ tới Nepal nhằm hỗ trợ y tế và công tác tìm kiếm những người mất tích trong vụ động đất./.