Vốn rất hiếm khi công khai lên tiếng chỉ trích quốc gia đồng minh này, NATO ngày 27/1 cũng phải thừa nhận, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tự vệ, song phải theo một cách “tương xứng và kiềm chế”.
Trước sức ép của cộng đồng người Kurd thiểu số sống tại Đức và những chỉ trích nặng nề sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các xe tăng Leopard do nước này cung cấp để chống lại nhóm dân quân Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd, Chính phủ Đức đã yêu cầu NATO tiến hành thảo luận về tình hình tại miền Bắc Syria.
Cuộc gặp dự kiến từ nay đến cuối tháng 1 này hoặc muộn nhất là vào ngày 14 và 15/2 tới nhân cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng của khối. Theo Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, “các mối quan tâm an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ” tại khu vực biên giới với Syria cần phải được tính đến, song mọi giải pháp đều phải hướng tới chấm dứt đối đầu quân sự.
Trước đó, Đức đã quyết định ngừng kế hoạch nâng cấp cho 354 xe tăng bán cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này lo ngại cuộc xung đột giữa người Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd có thể tác động trực tiếp tới an ninh của Đức.
Mỹ, một đồng minh khác của Thổ Nhĩ Kỳ, những ngày qua cũng không ngừng gia tăng sức ép. Theo Nhà trắng, tại cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ giảm và hạn chế những hành đồng quân sự hiện nay, đồng thời nhấn mạnh hai nước cần ưu tiên cho cuộc chiến đánh bại IS.
Theo các nhà phân tích, lo ngại của các nước NATO là hoàn toàn dễ hiểu, bởi chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến các nước đồng minh rơi vào tình cảnh đối đầu. Trên thực tế, nước này cũng đang có kế hoạch mở rộng chiến dịch “Nhành Olive” sang cả những phần lãnh thổ khác của Syria, mà quân đội các nước đồng minh, trong đó có Mỹ.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa cảnh báo, nước này muốn thấy những bước đi cụ thể của Mỹ trong việc chấm dứt sự hỗ trợ dành cho lực lượng Kurd tại Syria, mà trước tiên là ngay lập tức rút khỏi Manbij. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch Nhành Olive cho đến khi đạt được tất cả những mục tiêu đã đề ra.
Sau đó chúng tôi sẽ quét sạch những kẻ khủng bố ra khỏi Manbij như đã cam kết. Không ai nên lo ngại về chiến dịch này. Bởi chủ nhân thực sự của Manbij không phải là những kẻ khủng bố mà các những người anh em Arab của chúng ta. Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến cho tới khi không còn những kẻ khủng bố nào tại miền Bắc Syria và biên giới với Iraq.
Có thể nói, chiến dịch “Nhành Olive” của Thổ Nhĩ Kỳ đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc khủng hoảng vốn đã rất phức tạp của Syria và cũng là trận chiến đầu tiên sau khi đánh bại IS. Thổ Nhĩ Kỳ muốn bằng mọi giá phải ngăn chặn các lực lượng người Kurd thiết lập quyền kiểm soát đối với một khu vực rộng lớn ở biên giới với Iraq và Syria.
Song với Mỹ và các đồng minh NATO, thì điều này lại có một ý nghĩa khác. Bởi mục tiêu tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ lại chính là Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd - lực lượng đang nhận được sự hỗ trợ quân sự trực tiếp của Mỹ và cũng là nòng cốt trong cuộc chiến chống khủng bố của liên quân quốc tế tại Syria.
Đây cũng chính là lý do khiến nhiều người lo ngại, chiến dịch “Olive” có thể là ngòi nổ làm bùng cháy trở lại cuộc chạy đua quân sự trong hồ sơ Syria và không chỉ của những nước vốn luôn đối đầu về lập trường, mà cả những nước từng coi là đồng minh của nhau./.
Thổ Nhĩ Kỳ đòi Mỹ ngay lập tức rút quân khỏi Manbij (Syria)