Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 4/12 nhấn mạnh, thỏa thuận hạt nhân nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) được thực thi cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có lý do gì để Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu.

Ngoại trưởng Nga tái khẳng định quan điểm của Nga rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO tại châu Âu là vấn đề lớn trong mối quan hệ Nga-NATO.

la%20chan%20phong%20thu%20ten%20lua.jpg
Hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO (ảnh: iamisatthedoors)

Theo giới chức Mỹ và NATO, Hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO triển khai tại châu Âu, với mục đích nhằm chống lại các mối đe dọa từ phía CHDCND Triều Tiên và Iran. Chính điều này trở thành nguyên nhân làm nảy sinh nhiều bất đồng trong các mối quan hệ Nga – Mỹ cũng như Nga - NATO trong nhiều năm qua. Nga từ lâu đã phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO tại châu Âu.

Trước đó, ngày 24/11 vừa qua, Iran và Nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận bước đầu về chương trình hạt nhân để đổi lấy việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Iran.

Theo đó, Iran sẽ ngừng làm giàu uranium trên mức 5% trong vòng 6 tháng và đổi lại Mỹ sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Ngoài ra, tất cả các vấn đề liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran sẽ được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và trong vòng 6 tháng tới, các bên sẽ tích cực đàm phán để đạt được một thỏa thuận toàn diện cuối cùng.

Trong thời gian này, Iran sẽ ngừng xây dựng lò phản ứng tại Arak, đồng thời chấp thuận để Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tiến hành một loạt biện pháp thanh sát bổ sung. Đây được xem là bước đột phá đầu tiên sau nỗ lực gần một thập kỷ qua của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết những tranh cãi xung quanh chương trình hạt nhân của Iran./.