TheoReuters, các quan chức Mỹ cho rằng, thông tin này sẽ giúp những cộng đồng người Kitô giáo, Shiite và Yazidis nhận được thêm nhiều sự hỗ trợ của quốc tế. Tuy nhiên, họ cũng khẳng định, điều này sẽ không làm thay đổi chiến dịch quân sự của Mỹ chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS .

“Theo quan điểm của tôi, IS phải chịu trách nhiệm về các tội ác diệt chủng nhằm vào các nhóm người sinh sống tại nơi chúng kiểm soát bao gồm người Kitô giáo, Shiite và Yazidi”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: “IS gây tội ác diệt chủng trong cả tuyên bố, tư tưởng và hành động của chúng”.

phien_quan_is_sbhl.jpg
Đoàn xe chở phiến quân IS từ Raqqa ở Syria sang Iraq. Ảnh AP

Trước đó, Đảng Cộng hòa- hiện đang kiểm soát Quốc hội Mỹ- đã gây áp lực buộc Nhà Trắng phải gọi những hành động của phiến quân IS tại Iraq và Syria là diệt chủng và Hạ viện Mỹ ngày 13/3 đã phê chuẩn một nghị quyết liên quan đến việc này.

Giới chức Mỹ cho rằng, hành động này sẽ giúp họ nhận được sự ủng hộ về chính trị và ngân sách của Quốc hội cũng như nhiều quốc gia khác để những nhóm người bị IS tấn công nói trên có thể quay trở về nhà khi mà những vùng đất của họ bị IS kiểm soát được giải phóng.

Thông tin về tội ác diệt chủng có thể khiến Washington dễ dàng giải thích cho việc tăng cường các hoạt động quân sự chống IS, nhưng giới chức Mỹ cho rằng, thông tin này không đồng nghĩa với việc Mỹ có nghĩa vụ pháp lý phải làm thêm điều gì đó, và cũng sẽ không thay đổi chiến lược quân sự của Mỹ nhằm chống lại IS.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nhấn mạnh: “Việc công nhận tội ác diệt chủng hay bất kỳ tội ác chống lại nhân loại nào khác đang diễn ra tại một quốc gia bất kỳ không đồng nghĩa với việc Mỹ bị ràng buộc về mặt pháp lý để thực thi một hành động nào đó”.

Không giống như Rwanda năm 1994 và Darfur năm 2004, khi Mỹ cũng phát hiện ra những tội ác diệt chúng tại đó nhưng không sử dụng sức mạnh quân sự để ngăn chặn, các quan chức Mỹ cho biết, chiến dịch không kích IS ở Iraq vào tháng 8/2014 cũng là nhằm cứu những người Yazidi tại đây.

“Chúng tôi đã không hành động ở Rwanda. Khi nhìn lại, chúng tôi cảm thấy rất hối tiếc. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi tổ chức khủng bố IS tấn công những người Yazidis ở Iraq, các máy bay Mỹ đã nỗ lực để cứu họ”, một quan chức Mỹ nói./.