Trong lúc này, EU đang “nháo nhào” tìm cách đáp trả vì lệnh trừng phạt nhằm vào Nga cũng sẽ khiến khối này “lãnh đủ” hậu quả.

 Ngày 25/7, Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, dựa trên những cáo buộc Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử 2016, sáp nhập Crimea và hoạt động quân sự ở Đông Ukraine.

jean_claude_juncker_donald_trump_ynnr.jpg

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Đức đầu tháng 7/2017. (Ảnh: AP)

Dự luật cũng đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên và Iran. Ở một mức độ nào đó, với dự luật này, giới nghị sĩ Cộng hoà muốn phát đi thông điệp, họ đã “chịu đựng” đủ “tình bạn” giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Vladimir Putin.

Dự luật trừng phạt Nga được dự báo sẽ không khó để được Thượng viện Mỹ, nơi phe Cộng hoà kiểm soát, thông qua, trước khi trình lên Tổng thống.

Trong khi đó, phía Nhà Trắng cũng đã phát đi tín hiệu cho thấy Tổng thống Trump có thể đặt bút ký. “Chính quyền ủng hộ mạnh tay với Nga”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói, “đặc biệt là trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt này. Bản gốc của dự luật được soạn thảo ẩu, nhưng chúng tôi đã làm việc với Hạ viện và Thượng viện, và chính quyền hài lòng với việc đưa vào những thay đổi cần thiết, và thời điểm này thì chúng tôi ủng hộ dự luật”.

Trong lúc Quốc hội và chính quyền Mỹ đang ráo riết thúc đẩy thông qua luật mới trừng phạt Nga, thì bên lo lắng lúc này lại chính là các đồng minh phía bên kia Đại Tây Dương của Washington.

Hôm 24/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã tuyên bố kiên quyết bảo vệ lợi ích của châu Âu trước việc Quốc hội Mỹ thông qua lệnh trừng phạt Nga vì nghi ngờ nước này can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine. Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker nhấn mạnh, EU cần phải sẵn sàng "hành động trong vài ngày” nếu Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga mà ảnh hưởng tới lợi ích của EU.

Cùng ngày, Đức cho rằng việc Mỹ sử dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga như một công cụ về chính sách công nghiệp là không thể chấp nhận, đồng thời kêu gọi châu Âu và Washington hợp tác chặt chẽ trong việc đưa ra các đề xuất về trừng phạt.

Mới đây nhất, ngày 26/7, Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật tăng cường các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Lo ngại của EU là hoàn toàn có cơ sở, khi lệnh trừng phạt Nga được dự báo sẽ tác động tiêu cực tới các dự án năng lượng của châu Âu. Tuy vậy giới chức lục địa già vẫn đang chia rẽ nội bộ về các phương án đáp trả. Một người phát ngôn của EC cho biết cơ quan hành pháp này đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến liên quan và sẽ sử dụng tất cả các kênh ngoại giao để bày tỏ lo lắng về những tác động tiêu cực đến khối, nhất là về vấn đề an ninh năng lượng. Người phát ngôn EC nhấn mạnh lợi ích của EU phải được tính đến và một lần nữa kêu gọi Mỹ tôn trọng sự thống nhất của G7 trong việc xử lý vấn đề Ukraine.

Lợi ích bị động chạm lớn nhất của phía EU sẽ là dự án đường ống dẫn khí đốt “Nord Stream 2” (Dòng chảy phương Bắc 2), từ Nga tới Đức qua biển Baltic, vốn đã gây tranh cãi trong nội bộ EU do một số nước lo ngại ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. Được hưởng lợi trực tiếp từ "Dòng chảy phương Bắc 2", Đức và Áo phản đối kịch liệt các đòn trừng phạt mới, cáo buộc Mỹ chính trị hoá các lợi ích kinh tế khi trừng phạt Nga hòng bán khí đốt hoá lỏng vận chuyển bằng tàu từ Mỹ tới châu Âu.

Các lợi ích khác bị ảnh hưởng còn bao gồm nhiều dự án khí đốt và dầu mỏ ở biển Caspian, dự án trung chuyển khí đốt qua Ukraine và mỏ khí đốt Zohr ngoài khơi Ai Cập, do có sự tham gia của các công ty Nga.

Theo tờ Politico và Financial Times, hiện EC đã lên kế hoạch phản ứng trên nhiều góc độ. Cơ quan này đã đưa ra một báo cáo đánh giá lệnh trừng phạt của Mỹ có thể ảnh hưởng đến nhiều công ty châu Âu có các giao kết hợp pháp với các doanh nghiệp Nga trong các lĩnh vực như giao thông đường sắt, vận tải biển, tài chính hoặc khai thác khoáng sản. Văn bản cũng cho biết EC sẵn sàng hành động "trong những ngày tới" và đã phác thảo đường hướng cho việc trả đũa.

Cách tiếp cận thứ nhất theo đề xuất của EC là tìm kiếm một tuyên bố công khai từ chính quyền Mỹ, như Tổng thống Barack Obama từng đưa ra vào năm 2014, theo đó, tổng thống được quyền 'tuỳ nghi châm chước', không chống lại các công ty châu Âu. Thứ hai là dựa vào “quy chế ngăn chặn”, được thông qua vào năm 1996 bởi Hội đồng châu Âu, với mục đích bảo vệ EU khỏi những ảnh hưởng bên ngoài lãnh thổ do những luật được thông qua bởi một nước thứ ba. Phương án thứ ba là "chuẩn bị các biện pháp trả đũa tương thích với quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”.

Về phần mình, hôm 24/7, Điện Kremlin đã đưa ra phản ứng rằng chính sách trừng phạt Washington là không có tính xây dựng, gây thiệt hại đến các lợi ích của nước này cũng như nhiều nước châu Âu./.