AFPdẫn lời quan chức Philippines cho biết cuộc tập trận- kéo dài 1 tuần bắt đầu từ ngày 26/6 với sự tham gia của 3 tàu chiến Mỹ cùng khoảng hơn 1.000 thủy thủ, sẽ giúp tăng cường năng lực Hải quân Philippines và thử nghiệm các tàu Hải quân mới nhất của nước này.

Các quan chức Philippines cho biết, cuộc tập trận thường niên này có sự tham gia của khoảng 1.000 binh sỹ Mỹ và 400 binh sỹ Philippines nhằm thử nghiệm 2 tàu chiến mới nhất của Philippines do Mỹ cung cấp.

 

Tàu USS John McCain của Mỹ tham gia cuộc tập trận chung (Ảnh AFP)

“Chúng tôi muốn đưa 2 chiếc tàu này vào cuộc tập trận nói trên bởi chúng tôi thực sự muốn các tàu này có thể hoạt động theo đúng chức năng của mình”, Tư lệnh Hải quân Philippines Jaime Bernardino cho biết.

Ông Bernardino cũng nói rằng vùng biển mà Philippines kiểm soát có rất nhiều tàu nước ngoài qua lại.

“Chúng tôi còn rất nhiều lỗ hổng trong việc phát hiện ra các tàu quốc tế qua đây, chúng tôi muốn cải thiện điều này nhằm đảm bảo rằng chúng tôi có khả năng can thiệp cũng như vô hiệu hóa các tàu nói trên trong trường hợp cần thiết”, ông Bernadino nhấn mạnh.

Chuẩn Đô đốc Stuart Munsch, Tư lệnh hạm đội tàu ngầm tại Thái Bình Dương của Mỹ cho biết cuộc tập trận lần này là nhằm củng cố khả năng hoạt động của tàu hai nước để Hải quân hai nước có thể hỗ trợ lẫn nhau trong các chiến dịch phức tạp.

Philippines, nước vốn có tiềm lực quân sự yếu nhất trong khu vực, đã tiến hành các biện pháp tăng cường sức mạnh quốc phòng của mình thông qua đồng minh của nước này là Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc.

Gần đây, nước này đã ký một Hiệp ước Quốc phòng với Mỹ trong đó cho phép quân Mỹ có thể đồn trú tại các căn cứ quân sự ở Philippines với số lượng lớn hơn.

Philippines hiện đang có tranh chấp với Trung Quốc về một phần lãnh hải trên Biển Đông mà Trung Quốc ngang nhiên cho rằng mình có chủ quyền đối với toàn bộ khu vực nói trên.

Trung Quốc gần đây đã tăng cường những hành động nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền sai trái của mình. Ngày 1/5 vừa qua, Trung Quốc đã đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam./.