Trong một động thái gây sức ép với Nga, bốn nước Anh, Pháp, Canada và Mỹ ngày 2/3 tuyên bố rút khỏi cuộc họp trù bị trong tuần này cho Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-8) sẽ diễn ra tại Sochi, Nga vào tháng 6 tới. 

Phát biểu trước chuyến thăm Ukraine, Ngoại trưởng Anh William Hague bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng tại Ukraine. 
“Chúng tôi sẽ không tham dự cuộc họp về G8 trong tuần này. Các quyết định sắp tới sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình đang diễn ra tại Ukraine. Tất nhiên chúng tôi sẽ nêu vấn đề này trong các diễn đàn quốc tế như Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, NATO và Liên minh châu Âu”, ông Hague chia sẻ.
ukraine_copy.jpg
Một nhóm vũ trang ủng hộ Nga đang chiếm đóng một căn cứ bộ binh tại Privolnoye, Crimea (Ảnh AP)

Trước đó, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng yêu cầu hoãn các cuộc họp, trong khi Mỹ tuyên bố không tham dự hội nghị. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo, Nga có thể mất tư cách thành viên tại G8 nếu các hành động quân sự tiếp diễn tại Crimea.

Phát biểu trước thềm cuộc họp khẩn cấp các nước thành viên NATO ngày 2/3, Tổng thư kí NATO Anders Fogh Rasmussen cũng kêu gọi Nga làm giảm căng thẳng trong khu vực.

Mặc dù có những lời lẽ được cho là mạnh mẽ nhưng giới quan sát cho rằng, Mỹ, Liên minh châu Âu hay NATO khó có thể nhất trí những bước đi quan trọng gây sức ép với Nga trong thời điểm này.

Tại châu Âu, các quan chức bày tỏ lo ngại về hành động quân sự của Nga, nhưng có ít lựa chọn cụ thể được công bố nhằm gây sức ép với Nga. Liên minh châu Âu hiện đang phải đối mặt với những vấn đề nội bộ của mình và việc đối đầu với Nga- một trong những đối tác thương mại lớn nhất của khối, sẽ gây những hậu quả kinh tế nặng nề.

Một số nước thành viên NATO và Liên minh châu Âu cũng phụ thuộc nhiều vào Nga trong lĩnh vực năng lượng. Do đó rất nhiều nước muốn duy trì mối quan hệ hợp tác chính trị với Nga. Trong khi đó, Ukraine không có tư cách thành viên đầy đủ trong NATO, do đó Mỹ và châu Âu không có nghĩa vụ phải thực hiện các hành động quân sự.

Một hành động quốc tế rộng hơn thông qua Liên Hợp Quốc cũng dường như không thể, khi Nga có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an. Mỹ đang đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ về hậu quả nếu Nga hành động quân sự nhưng cũng khá thận trọng trong việc can dự vào cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong một tuyên bố được đưa ra cuối tuần qua, Tổng thống Obama tránh nói rằng một Ukraine mất ổn định sẽ là mối lo ngại an ninh quốc gia của Mỹ, mà chỉ nhấn mạnh một Ukraine mất ổn định không nằm trong lợi ích của Mỹ hay châu Âu.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 2/3 cũng cảnh báo, Mỹ sẽ trừng phạt kinh tế và các đồng minh sẽ cô lập Nga. Tuy nhiên, ông Kerry cũng kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Giới quan sát cho rằng, các bước đi có thể xảy ra hiện nay của NATO bao gồm cắt đứt quan hệ hợp tác với Nga, trong đó có các cuộc tiếp xúc thường xuyên cấp bộ trưởng và các cuộc diễn tập quân sự chung.

Những biện pháp trừng phạt chính trị và kinh tế nhằm vào Nga cũng có thể là một lựa chọn, nhưng đó sẽ là trách nhiệm đầu tiên của Liên Hợp Quốc nơi Nga có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an.

Trong khi Liên Hợp Quốc, NATO và Liên minh châu Âu liên tiếp tổ chức các cuộc họp khẩn cấp về cuộc khủng hoảng Ukraine, Chủ tịch Quốc hội Crimea, Vladimir Konstantinov ngày 2/3 cho biết, bán đảo này ổn định trở lại sau 4 ngày căng thẳng.

“Tình hình tại Crimea vẫn ổn định. 4 ngày qua chúng tôi đã trải qua những thời khắc căng thẳng. Tuy nhiên mọi thứ hiện đều rất ổn với người dân Crimea. Không có bất cứ mối đe dọa nào nhằm vào chính quyền Crimea hay người dân khu vực”, ông Konstantinov khẳng định.

Quốc tế hiện cũng đang hướng về Ukraine với lời kêu gọi tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này./.