Tại cuộc họp khẩn cấp vào sáng 2/3 (theo giờ Việt Nam) về tình hình Ukraine, đại diện của Nga và phương Tây tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã cáo buộc nhau can thiệp vào tình hình Ukraine. Phía Mỹ kêu gọi triển khai các giám sát viên quốc tế tới Ukraine để ngăn chặn khủng hoảng leo thang. Tuy nhiên, Nga kêu gọi các bên phải quay trở lại với các thỏa thuận ký ngày 21/2 giữa Tổng thống Ukraine Victor Yanukovich và đại diện phe đối lập trước sự chứng kiến của các đặc phái viên Liên minh châu Âu (EU).

Ngay sau khi Hội đồng liên bang Nga (tức Thượng viện) chấp thuận đề nghị của Tổng thống Putin về việc triển khai quân trên lãnh thổ Ukraine, Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Yuriky Sergeev kêu gọi Hội đồng Bảo an giúp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của nước này.

binhsyngataiukrainereuters.jpg
Một binh sỹ trên xe quân đội Nga bên ngoài một đồn biên phòng Ukraine tại thị trấn Crimea (Nguồn: Reuters)

Phát biểu tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samatha Power kêu gọi triển khai “ngay lập tức” các giám sát viên của Liên Hợp Quốc và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tới Ukraine.  

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc nói: “Có một con đường có thể giúp duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và đáp ứng lo ngại của phía Nga. Trước tiên đó là Nga có thể can dự trực tiếp vào Chính phủ Ukraine. Thứ hai là các giám sát viên quốc tế của Liên Hợp Quốc và OSCE có thể được gửi đến Ukraine. Nga có thể đóng vai trò đầu tàu của hai cơ quan và có thể tham gia tích cực để bảo đảm các lợi ích của họ”.

Đại sứ Mỹ cho rằng, việc triển khai các quan sát viên quốc tế tới Ukraine có thể giúp bảo đảm tính minh bạch của các hoạt động quân sự và bán quân sự trong khu vực và giảm căng thẳng giữa các nhóm khác nhau.

Về phần mình, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cáo buộc Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU) can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine, kích động các cuộc biểu tình trên đường phố dẫn đến việc lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych.  

Nga cho rằng, để giúp Ukraine thoát khỏi cuộc khủng hoản hiện nay, cần trở lại đối thoại chính trị, thực hiện thỏa thuận đã ký mới đây giữa tổng thống Yanukovich và lực lượng đối lập, trong đó thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Trước đó Nga đã cáo buộc phe đối lập "quay lưng lại" với thỏa thuận này.

Phó Tổng Thư ký thứ nhất Liên Hợp Quốc Jan Eliasson phát biểu trước báo giới cho biết, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đang xem xét về đề xuất Liên Hợp Quốc đóng vai trò trung gian giải quyết tình hình tại Ukraine cũng như các sáng kiến ngoại giao khác và Liên Hợp Quốc sẽ hành động sớm nhất có thể.

Bán đảo Crimea - nước cộng hòa tự trị thuộc Ukraine đang trở thành điểm nóng sau khi Tổng thống Ukraine Victor Yanukovich bị các lực lượng biểu tình thân phương Tây lật đổ. Đây là địa điểm Nga thuê để sử dụng làm căn cứ của Hạm đội Biển Đen trong nhiều năm qua. Căn cứ này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự của Nga tại Biển Đen và các vùng biển Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương. 
Chính vì vai trò quan trọng của khu vực Crimea, mà nơi đây thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả Nga và phương Tây. Đáp lại phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama, rằng "Nga sẽ phải trả giá đắt cho chính sách của mình" đối với Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng liên bang Nga Yuri Vorobiev nêu rõ tuyên bố này là "vượt qua giới hạn đỏ" và "xúc phạm nhân dân Nga".

Trong một động thái phản ứng quyết liệt, Chủ tịch Hội đồng liên bang Nga đã giao cho Ủy ban Đối ngoại của cơ quan lập pháp này soạn thảo đề nghị Tổng thống Nga triệu hồi Đại sứ Nga tại Mỹ về nước./.