AFPdẫn lời giới chức quân đội Hàn Quốc cho biết, siêu pháo đài bay B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân đã lượn một vòng qua căn cứ Không quân Osan cách biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc khoảng 72km về phía Nam.
Chiếc máy bay B-52 này được 2 chiếc chiến đấu cơ F-15K của Hàn Quốc và 2 chiếc chiến đấu cơ F-16 của Mỹ hộ tống này sau đó bay tiếp rồi hạ cánh xuống căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam.
Siêu pháo đài bay B-52 nói trên mang theo các quả tên lửa hạt nhân và bom "xuyên phá boongke" có thể phá hủy các cơ sở hạ tầng ngầm của Triều Tiên.
Siêu pháo đài bay B-52 bay qua bầu trời Hàn Quốc. Ảnh AFP |
Quân đội Mỹ cho biết, chiếc máy bay này từng tham gia vào một cuộc tập trận chung Mỹ- Hàn khiến Triều Tiên hết sức giận dữ. Tuy nhiên, việc Mỹ cho B-52 bay qua Hàn Quốc là điều hiếm khi được Mỹ công bố.
Trước đó, hồi năm 2013, Mỹ cũng từng công khai thông tin về một chuyến bay tương tự sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3.
Tại thời điểm đó, Mỹ đã điều cả siêu pháo đài bay B-52 và máy bay ném bom tàng hình tối tân B-2 của mình đến Hàn Quốc để thị uy sức mạnh đối với Triều Tiên.
Việc Triều Tiên ngày 6/1 tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch đã khiến nhiều nước giận giữ và khiến khu vực biên giới liên Triều trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Tướng Terrence J. O'Shaughnessy, Tư lệnh Không lực số 7 của Mỹ và là Phó Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, cho biết, Mỹ vẫn duy trì cam kết “sắt đá” của mình trong việc bảo đảm an ninh cho Triều Tiên.
Theo ông O'Shaughnessy, cam kết này bao gồm việc “mở rộng phạm vi răn đen sử dụng các lực lượng truyền thống và lực lượng hạt nhân của Mỹ.
Việc điều máy bay B-52 cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh cho các đồng minh và các đối tác của mình cũng như thể hiện một trong những năng lực thực sự về quốc phòng của các nước trong liên minh nhằm bảo vệ Hàn Quốc”.
“Như đã thể hiện trong ngày hôm nay (10/1), lực lượng Không quân Mỹ hàn luôn hợp tác chặt chẽ và cùng tham gia huấn luyện với nhau hàng ngày. Chúng tôi luôn chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với mọi mối đe dọa nhằm vào liên minh”, ông O'Shaughnessy nói.
Các cuộc tập trận thường niên Mỹ- Hàn thường khiến Triều Tiên giận giữ. Triều Tiên từng nhiều lần tuyên bố đó là “các cuộc diễn tập chiến tranh hạt nhân” nhằm vào nước này.
Hiện Hàn Quốc còn khoảng 28.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại đây. Hai miền Triều Tiên hiện vẫn đang trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một lệnh đình chiến thay vì một hiệp ước hòa bình.