TheoReuters, thông tin trên được các nguồn tin trong Chính phủ Mỹ cung cấp ngày 23/2. Một quan chức Mỹ còn cho biết, trước đó Trung Quốc đã thường xuyên đưa các máy bay đến đảo Phú Lâm [thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà nước này chiếm đóng trái phép- ND].

phu_lam_wqfa.jpg
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam. Ảnh Reuters

Trước đó, ngày 22/2, một trung tâm nghiên cứu của Mỹ cho biết, Trung Quốc dự tính đưa hệ thống radar tần số cao đến bãi Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa [cũng của Việt Nam và đã bị Trung Quốc cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo- ND]. Theo trung tâm nói trên, động thái này có thể giúp Trung Quốc nhanh chóng kiểm soát vùng biển mang tính chiến lược này.

Theo CNBC, những hành động nói trên của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 23/2 đã có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ John Kerry tại Washington.

Một ngày trước chuyến thăm của ông Vương Nghị, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố việc Bắc Kinh triển khai các hoạt động quân sự ở Biển Đông chẳng khác gì việc Mỹ triển khai quân sự ở Hawaii [Trung Quốc từng ra yêu sách chủ quyền đối với hầu khắp Biển Đông và cho rằng vùng biển này thuộc lãnh thổ của mình dù không đưa ra được bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào- ND].

Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với ông Kerry, ông Vương Nghị cho rằng, Trung Quốc và các nước ASEAN- trong đó có các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông- không gặp bất kỳ vấn đề gì về tự do hàng hải trong khu vực và cả hai bên đều “có đủ năng lực để duy trì ổn định ở Biển Đông”.

Ông Vương Nghị nói thêm rằng, việc quân sự hóa tình hình Biển Đông không thể do một bên đơn phương tiến hành. Ngoại trưởng Trung Quốc cũng lên tiếng chỉ trích các hoạt động tuần tra của Mỹ: “Chúng tôi hy vọng không phải chứng kiến việc Mỹ tiến hành trinh sát hay điều các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường hoặc các máy bay ném bom chiến lược đến Biển Đông”.

Trong khi đó, ông Kerry tuyên bố, những hành động của Trung Quốc và các bên có tranh chấp ở Biển Đông đã trở thành “một vòng luẩn quẩn khiến tình hình leo thang căng thẳng”.

“Chúng tôi đang cố gắng phá vỡ vòng luẩn quẩn này. Đáng tiếc là đã có rất nhiều tên lửa, máy bay chiến đấu và súng được đưa đến Biển Đông và điều này gây ra mối quan ngại lớn cho bất kỳ máy bay hay tàu thuyền qua lại hay những người đang thực hiện hoạt động giao thương ở Biển Đông”, ông Kerry nói./.