Đúng ngày này của một năm về trước, Hiệp định mang tên Abraham ra đời trên đất Mỹ, đưa Israel bình thường hóa quan hệ với 2 quốc gia Arab là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain. Vài tháng sau, Sudan và Morocco “nối gót” tham gia vào Hiệp định này, nâng tổng số quốc gia Arab có quan hệ ngoại giao chính thức với Israel từ trước đó với 2 nước là Ai Cập và Jordan lên con số 6.
“Hôm nay chúng tôi ở đây để tạo ra tiến trình lịch sử. Sau nhiều thập kỷ chia rẽ và xung đột, chúng ta đang đánh dấu buổi bình minh của một Trung Đông mới”.
“Vâng, đây là bước ngoặt của lịch sử, là một bình minh mới cho nền hòa bình”.
Đó là tuyên bố của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Israel lúc bấy giờ là Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Netanyahu khi đặt bút ký Hiệp định Abraham cùng hai Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain tại Nhà Trắng. Vài tháng sau đó, đúng với kỳ vọng của Mỹ, đã có thêm 2 quốc gia Arab tham gia vào Hiệp định này là Sudan và Morocco.
Một năm trôi qua, những Đại sứ quán của các bên đang xuất hiện trên lãnh thổ của nhau để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương vừa được thiết lập. Những chuyến bay thương mại, những thỏa thuận hợp tác kinh tế đang đi vào hiện thực. Những đoàn thăm viếng cấp cao đã diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, với Israel và 4 quốc gia Arab ký kết Hiệp định Abraham, mọi điều tích cực mới chỉ là bắt đầu.
Trong một sự kiện kỷ niệm một năm Hiệp định Abraham được ký kết vừa diễn ra tại Mỹ do phái bộ Israel tại Liên Hợp Quốc tổ chức, Đại sứ Mỹ Linda Thomas Greenfield đã khẳng định, ngoài việc thúc đẩy các mối quan hệ đã được thiết lập, Mỹ sẽ tìm cho Israel những đồng minh Arab mới. Đáng chú ý, ở sự kiện này, ngoài đại diện của 4 nước Arab tham gia Abraham, còn có một đại diện khách mời từ Oman, quốc gia Arab chưa bình thường hóa quan hệ với Israel.
Dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến với những người đồng cấp Israel và các nước Arab tham gia Abraham vào ngày 17/9 tới để nhấn mạnh sự ủng hộ của chính quyền Mỹ đương nhiệm với Hiệp định mà chính quyền tiền nhiệm nước này kỳ công xây dựng.
Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng nhận định, mọi điều tốt đẹp vẫn đang chờ các bên ở phía trước: “Nhiều điều đã đạt được trong một năm qua và những gì tốt đẹp đã đến với người dân mỗi nước tham gia Hiệp định Abraham. Israel sẽ còn tốt hơn. Các nước Arab cũng vậy. Giới lãnh đạo các nước cần tiếp tục con đường này”.
Tuy nhiên, nhiều người, trong đó có cựu Cố vấn cấp cao Mỹ Jared Kushner - “kiến trúc sư” của Hiệp định này, lại lo ngại mọi thứ sẽ đổ vỡ nếu các bên “không nuôi dưỡng” các điều khoản và biến tất cả chúng thành hiện thực. Trên thực tế, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Sudan vẫn chưa hoàn tất. Hiệp định đang gặp phải sự phản đối khá lớn tại quốc gia này. Đáng chú ý, tại các sự kiện kỷ niệm một năm Hiệp định Abraham, đại diện của Sudan hầu như không tham dự dù nhận được lời mời.
Thêm vào đó, từ khi Mỹ và Israel có chính quyền mới, vẫn chưa có thêm các quốc gia Arab tham gia vào Hiệp định trên. Đây là thực tế đáng suy ngẫm, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền đương nhiệm của Israel và Mỹ đang có những khác biệt mới trong vấn đề Palestine, từ giải pháp hai nhà nước, chủ quyền các khu định cư cho tới các vấn đề liên quan đến Jerusalem.
Như trong phát biểu của cựu Thủ tướng Israel Netanyahu lúc ký kết, Hiệp định Abraham còn giúp kiềm chế các mối đe dọa từ Iran trong khu vực. Thế nhưng, thời gian gần đây, các nước Arab, bao gồm cả “người anh cả” Saudi Arabia lại đang có những cuộc đàm phán, từ bí mật đến công khai với Iran nhằm ổn định khu vực thay vì khơi mào những xung đột và bất ổn. Điều đó cũng có thể là một phần khiến các nước Arab khác do dự hơn khi nghĩ đến Abraham - Hiệp định mang tên Tổ phụ của 3 nền tôn giáo lớn là Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và đạo Hồi./.