AFP đưa tin, ngày 10/2, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ một thủ lĩnh phe biểu tình- ông Sontiyan Cheunruethainaitham, tại một khách sạn ở Bangkok.

Ông Tarit Pengdith, người đứng đầu Cơ quan Điều tra đặc biệt (DSI) cho biết, ông Sontiyan Cheunruethainaitham bị bắt giữ với tội danh coi thường Sắc lệnh Tình trạng khẩn cấp do Chính phủ ban hành từ nhiều tháng quá. Ông Tarit cũng tuyên bố, đây chỉ là người lãnh đạo phe biểu tình đầu tiên bị bắt giữ. Lực lượng cảnh sát Thái Lan sẽ tiếp tục bắt giữ thêm những người còn lại. 

ong%20sontiyan%20%20cheunruethainaitham%20(bangkok%20post).jpg
Thủ lĩnh phe biểu tình bị bắt giữ, ông Sontiyan Cheunruethainaitham (Ảnh: Bangkok Post)

Theo AP, ông Sontiyan Cheunruethainaitham vốn là cựu giám đốc điều hành cuả hãng tin Tnews- hãng tin nổi tiếng với những quan điểm chống Chính phủ. Ông Tarit tiết lộ, nhà lãnh đạo vừa bị bắt là “nhân vật quan trọng thứ hai” trong phe Áo Vàng, chỉ đứng sau ông Suthep Thaugsuban.

Vụ bắt giữ xảy ra chỉ vài giờ sau vụ nổ nhằm vào người biểu tình ở giữa Thủ đô Bangkok khiến 6 người bị thương.

Động thái chủ động đầu tiên của Chính phủ

Ngày 5/2, Tòa án hình sự Thái Lan phát lệnh bắt giữ với 19 lãnh đạo của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC), trong đó có cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban.

Theo AFP, các nhà chức trách Thái Lan tuy đã nhiều lần miễn cưỡng tuyên bố sẽ bắt giữ các nhà lãnh đạo biểu tình nhưng vẫn còn e ngại rằng, việc bắt giữ có thể châm ngòi gia tăng bạo động. 

Cảnh sát Thái Lan (Ảnh: AFP)

Trong suốt ba tháng của cuộc biểu tình vừa qua, cảnh sát Thái Lan chỉ áp dụng chiến thuật phòng thủ nhằm tránh bạo lực và khả năng kích động một cuộc đảo chính quân sự.

Vụ việc bắt giữ ông Sontiyan Cheunruethainaitham được xem là động thái chủ động đầu tiên từ phía Chính phủ bà Yingluck Shinawatra, tỏ ý cho thấy lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo phe biểu tình không chỉ là lời nói suông.

Trước đó, thủ lĩnh số một phe biểu tình, ông Suthep cũng đã nhiều lần thách thức Chính phủ bắt giữ.

Xung đột vẫn tiếp diễn

Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục tại Thủ đô Bangkok bất chấp Sắc lệnh Tình trạng khẩn cấp đã được áp dụng và ban hành rộng rãi trên chính thành phố này và một số khu vực xung quanh.

Ngày 10/2, nông dân Thái Lan ra tối hậu thư, đặt thời hạn chót yêu cầu chính phủ Thái Lan phải thanh toán tiền mua gạo chậm nhất vào ngày 15/2 tới. Ngoài ra, những người này cũng đệ đơn lên Ủy ban chống tham nhũng quốc gia kiện Chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra tham nhũng liên quan đến chương trình trợ giá gạo. 

Trong cùng ngày, một quả bom nổ giữa Thủ đô Bangkok khiến 6 người bị thương, trong đó 2 người bị thương nặng. Theo AP, có ít nhất 10 người đã bị chết kể từ khi cuộc biểu tình bùng nổ cho đến nay.

Cuộc biểu tình bước sang tháng thứ 4 và Thái Lan vẫn tiếp tục rơi vào vòng xoáy bất ổn chính trị đầy bế tắc.

Về phần ông Sontiyarn, AP cho biết, ông này đang được giữ lại thẩm vấn tại một căn cứ cảnh sát Tuần tra biên giới ở vùng ngoại ô phía bắc Thủ đô Bangkok. Theo luật Thái Lan, thời gian để giữ lại thẩm vấn một nghi can là trong 30 ngày trước khi giam giữ. Nhưng với tình cảnh cấp bách hiện nay, cảnh sát Thái Lan sẽ chỉ thẩm vấn ông Sonthiyarn trong 7 ngày./.