Trong một động thái được xem là bất ngờ, ngày 19/9, đặc phái viên của Mỹ về Iran, ông Brian Hook tuyên bố Washington muốn đàm phán một hiệp ước với Tehran liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Iran. Tuyên bố được đưa ra sau 4 tháng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn được biết đến dưới tên gọi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA). Câu hỏi đặt ra là liệu Iran có chấp thuận và đề xuất của Mỹ có đáng tin cậy?

my_iran_hopq.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei. Ảnh: CNN

Phát biểu tại Viện nghiên cứu Hudson ở Thủ đô Washington, ông Brian Hook nói rằng thỏa thuận mới mà Mỹ hy vọng ký với Iran sẽ không phải một thỏa thuận mang tính cá nhân giữa hai chính phủ như thỏa thuận trước đây. Mỹ tìm kiếm một hiệp định được Quốc hội thông qua để thay thế hiệp định hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1. Tuy nhiên, ông Brian Hook thừa nhận, các nhà lãnh đạo Iran, vì một số lý do không thể giải thích được, đã không quan tâm tới việc đàm phán với Mỹ, cho dù cả Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đều đã nói rõ là sẵn sàng đàm phán. Đặc phái viên Brian Hook nhấn mạnh, mục tiêu của Mỹ là đạt được một "thỏa thuận toàn diện" với Iran dựa trên các điều kiện mà Ngoại trưởng Pompeo đã đề ra tháng 5 năm nay.

Để thuyết phục Iran ngồi vào bàn đàm phán, ông Brian Hook còn đe dọa sử dụng “các giải pháp mạnh hơn” so với các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt và nhấn mạnh: “Hành động phổ biến hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo của Iran phải được giải quyết một cách đồng thời, không phải riêng rẽ. Đây là thời điểm để tất cả các nước phối hợp với Mỹ nhằm buộc Iran phải chịu trách nhiệm giải trình ở mức độ cao hơn, đặc biệt là việc Iran đang theo đuổi mạnh mẽ chương trình tên lửa đạn đạo”.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng phát triển chương trình tên lửa là chủ quyền quốc gia của Iran và tất cả những vấn đề liên quan cần được giải quyết trên bàn đàm phán chứ không phải bằng việc gây sức ép, đặc biệt là sức ép quân sự.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, ông Ryabkov nêu rõ, phát triển chương trình tên lửa là chủ quyền quốc gia của Iran. Đó là biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia. Nga luôn ủng hộ giải quyết mọi vấn đề nảy sinh trong quan hệ giữa các nước, cũng như trong quá trình đối thoại về những vấn đề hóc búa thông qua đàm phán.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga đồng thời cho biết, một cuộc gặp giữa đại diện Iran cùng 5 nước còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran (gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Đức), sẽ được tổ chức bên lề kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào cuối tháng này.

Trong khi ông Igor Pankratenko, một chuyên gia về Trung Đông, khẳng định với hãng thông tấn Nước Nga Ngày nay (Russia Today), rằng nỗ lực đó của Mỹ thực chất là tiếp tục chiến lược nhằm lật đổ Chính phủ hiện tại ở Iran.

Trước đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã bác bỏ quan điểm cho rằng Mỹ đang tìm cách thay đổi chế độ ở Iran, nhưng tuyên bố Mỹ sẽ làm những điều khác để mang đến một sự thay đổi lớn trong cách hành xử của chính quyền Iran.

Trong bối cảnh sự nghi kỵ lẫn nhau ngày càng tăng, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif mới đây tuyên bố ông sẽ không gặp các quan chức Mỹ nhân dịp tham dự kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc sắp tới.

Tháng trước, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng tuyên bố là Tehran sẽ không đàm phán với Washington trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Iran vẫn có hiệu lực. Tổng thống Rouhani mô tả các chiến thuật mà Mỹ đang áp dụng là một cuộc chiến tranh tâm lý chống lại dân tộc Iran, đồng thời gọi đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp của ông Donald Trump chỉ là chiêu trò nhằm thu hút dư luận nội bộ Mỹ và nhằm tạo ra những sự hỗn loạn ở Iran.

Theo giới quan sát, với lập trường cứng rắn của cả hai bên, việc Iran chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp với Mỹ về chương trình hạt nhân và tên lửa của Tehran, qua đó tiến tới ký kết một hiệp ước mà cả hai bên có thể chấp nhận được sẽ khó diễn ra trong tương lai gần./.