Tuy nhiên, trong báo cáo trước Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, đặc phái viên Ahmed cho biết, lực lượng phiến quân Hồi giáo Houthi cũng như đảng Đại hội Nhân dân Toàn quốc của cựu Tổng thống Abdullah Saleh, vẫn chưa xác nhận việc tham dự Hội nghị. Vì vậy, nhiệm quan trọng trước mắt của ông và cộng đồng quốc tế là làm sao thuyết phục hai nhóm này tham gia tiến trình đối thoại.
Theo các nguồn tin ngoại giao, mục tiêu hàng đầu của việc tổ chức Hội nghị hoà bình Geneva lần này là nhằm đảm bảo thực thi một lệnh ngừng bắn, thống nhất kế hoạch rút quân của phiến quân Houthi khỏi các vị trí đang chiếm giữ và triển khai các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Yemen. Báo cáo của Liên Hợp Quốc đánh giá, có khoảng 20 triệu người, tương đương 80% dân số Yemen đang cần tới sự trợ giúp nhân đạo.
Trước đó, Hội nghị đối thoại hoà bình Yemen dự kiến diễn ra ngày 28/5 vừa qua tại Geneva, đã bị hoãn lại sau khi Chính phủ Yemen yêu cầu phiến quân Houthi phải rút khỏi các vị trí chiếm đóng hiện nay, như một điều kiện tiên quyết để bắt đầu đàm phán.
Hầu hết các ý kiến đều khẳng định, tiến trình đối thoại hoà bình Yemen sẽ thất bại nếu không có sự tham gia của phiến quân Houthi, lực lượng đang chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn tại Yemen, trong đó có thủ đô Sana./.