Hàng trăm nghìn người ở Syria đã phải rời bỏ nhà cửa sau khi giao tranh giữa các phe phái liên tiếp nổ ra ở Syria. Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách cứu trợ nhân đạo - ông Mark Lowcock nhận định hôm 19/2 rằng "một thảm họa nhân đạo đang hiện hữu" tại tỉnh Idlib ở tây bắc Syria khiến các hoạt động cứu trợ bị quá tải.
"Họ di chuyển đến những khu vực đang tập trung đông dân cư mà họ nghĩ là sẽ an toàn. Nhưng ở Idlib, không còn nơi nào an toàn nữa", ông Lowcock nhận định.
Một người lái xe máy qua những tòa nhà đổ nát ở thị trấn Ihsim tại Idlib, Syria. Ảnh: AFP |
Ông Lowcock cho biết các lực lượng đối lập nhau hiện đang ở quanh các khu vực đông dân cư với những người vì quá sợ hãi đã đi bộ hoặc ngồi sau các xe tải với hy vọng sẽ thoát khỏi chiến tranh. Những người dân thường Syria hiện đang ở Dana và Sarmada tiến về hướng biên giới Bab al-Hawa với Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc di cư được cho là lớn nhất kể từ khi chiến tranh nổ ra ở quốc gia Trung Đông này cách đây 9 năm.
Gần 300 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở tây bắc Syria kể từ đầu năm nay. Sáng 19/2, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Geir Pedersen đã nhắc lại cảnh báo của Tổng thư ký Antonio Guterres về một cuộc khủng hoảng nhân đạo mà người dân quốc gia Trung Đông này phải chịu đựng.
Ông Pedersen cho rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - những bên trong thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib "có thể và phải đóng vai trò chủ chốt trong việc tìm ra biện pháp nhằm làm giảm leo thang căng thẳng tại khu vực hiện nay", mặc dù cuộc gặp giữa đoàn đàm phán 2 nước tại Ankara, Munich và Moscow thời gian gần đây cũng như các cuộc tiếp xúc giữa 2 Tổng thống không đạt được kết quả nào.
Ngày 19/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp tại Nghị viện nước này đã cảnh báo "một chiến dịch ở Idlib sẽ sớm xảy ra. Chúng ta đang đếm ngược. Chúng ta đang đưa ra những cảnh báo cuối cùng". Phản ứng trước tuyên bố này của ông Erdogan, điện Kremlin - đồng minh quan trọng của Tổng thống Assad cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào lực lượng của Syria tại Idlib đều sẽ là "viễn cảnh tồi tệ nhất".
Hashem Ahelbarra - phóng viên trang Al Jazeera tại biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ nhận định, cả 2 bên vẫn "chưa thể đạt được đột phá nào" trong các cuộc trao đổi. Phóng viên này cũng khẳng định tuần sau sẽ là thời điểm "quan trọng" quyết định liệu Ankara có tiến hành chiến dịch quân sự ở Ilib hay không.
Tổng thống Erdogan đã nhiều lần nhấn mạnh, lực lượng chính phủ Syria tại Idlib phải rút quân khỏi các chốt quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 2, đồng thời cảnh báo đáp trả nếu quân đội của Tổng thống Assad không thực hiện yêu cầu này.
Hiện nay, quân đội Syria đã giành lại được nhiều khu vực ở Idlib và tuyến đường quốc lộ chiến lược M5 nối các thành phố lớn của đất nước, cũng như kiểm soát toàn bộ khu vực quanh Aleppo lần đầu tiên kể từ năm 2012.
Trong một bình luận vào đầu tuần này, Tổng thống Assad khẳng định sẽ tiếp tục chiến dịch và nói rằng chiến tranh dù vẫn chưa qua đi nhưng "một chiến thắng hoàn toàn" đã có thể thấy rõ. Damascus và Moscow vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự ở Idlib nhằm quét sạch "khủng bố" tại khu vực này, nhà lãnh đạo Syria tuyên bố./.