Hơn 3 tháng trôi qua, song Liên Hợp Quốc, các nước châu Âu và Arab vẫn chưa thể giúp tình hình chiến sự giữa các bên tại Libya hạ nhiệt, thậm chí còn có chiều hướng leo thang.

Hiện đã có gần 1.000 người thiệt mạng, 5.000 người khác bị thương và 100.000 người phải di dời trong các cuộc giao tranh 3 tháng gần đây tại thủ đô Tripoli và các vùng lân cận. Những con số này cho thấy Libya đang là 1 trong những điểm “nóng nhất” về chiến sự trên thế giới hiện nay.

khong_kich_libya_myxg.jpg
Hiện trường sau vụ không kích ở trại tạm giữ người di cư ởLibya. Ảnh: Evening Standard

Không kích, đem quân đổ bộ tới thủ đô Tripoli hồi đầu tháng 4 vừa qua, lực lượng vũ trang thuộc Chính quyền miền Đông Libya do Tướng Khalifa Haftar đứng đầu, từng hi vọng có thể “đánh bật” lực lượng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA), vốn được Liên Hợp Quốc ủng hộ, ra khỏi thành phố trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, Tướng Haftar đã vấp phải sự “chống trả” quyết liệt từ lực lượng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya tại Tripoli.

Vùng chiến sự này càng “nóng” hơn, khi một số quốc gia thời gian gần đây đã ngấm ngầm tuồn vũ khí quân sự “hiện đại” cho các bên ở Libya mà họ ủng hộ, bất chấp lệnh cấm bán vũ khí cho Libya từ Liên Hợp Quốc, được ban hành từ năm 2011. Theo Liên Hợp Quốc, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là 2 quốc gia đứng đằng sau ủng hộ chính quyền miền Đông Libya của Tướng Haftar; Còn Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ là 2 trong những quốc gia ủng hộ cho chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya tại Tripoli. Ngoài ra, 1 số nước châu Âu cũng đang có những quan điểm bất đồng và chia rẽ khi đưa ra sự ủng hộ cho 1 trong các bên Libya.

Đến nay, nhiều nỗ lực ngoại giao được các cường quốc châu Âu thực hiện, song vẫn không thể cải thiện tình hình. Những lợi ích chồng chéo không được giải quyết, càng khiến chiến trường Libi như “lửa thêm dầu” với nhiều vụ giao tranh ác liệt hơn.

Mới đây nhất, ngày 2/7 vừa qua, đã có ít nhất 60 người thiệt mạng và khoảng 130 người khác bị thương trong 1 vụ không kích tấn công 1 trại tạm giữ người di cư bất hợp pháp ở ngoại ô thủ đô Tripoli. Theo Tổ chức Y tế thế giới, vụ việc đã nâng tổng số người thiệt mạng do xung đột leo thang giữa các bên Libya trong 3 tháng qua lên tới gần 1.000 người.

Vụ không kích mới nhất này đang được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm, khi một số báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, đã xảy ra tình trạng lính canh trại bắn người di cư khi họ bỏ chạy chỉ vì mục đích tránh cuộc không kích. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guteres đã gọi đây là 1 tội ác chiến tranh và kêu gọi 1 cuộc điều tra độc lập về vụ việc.

Hiện Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) - vốn được Liên Hợp Quốc ủng hộ và chính quyền miền Đông Libya, doTướng Khalifa Haftar đứng đầu, vẫn đang đổi lỗi cho nhau về thảm kịch này.

Ngoài việc có quá nhiều dân thường vô tội chết trong cuộc không kích, song có 1 thực tế “đau lòng” khác tại Libya đã được phơi bày sau vụ việc. Đó là Libya không còn là “mảnh đất an toàn” mà lâu nay các nước châu Âu muốn giữ chân những người di cư bất hợp pháp khi họ muốn tới châu lục này qua Địa Trung Hải.

Ước tính, Libya hiện có tới 6.000 người di cư bất hợp pháp đang bị giam giữ tại các trại tạm bợ. Những người di cư bất hợp pháp bị tạm giữ ở Libi đang phải sống trong điều kiện quá “khắc nghiệt” và thiếu thốn.

Trước tình hình này, Đại diện Cao Ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Libya cho biết: “Chúng tôi tin rằng, những người di cư không nên bị giam giữ ngay từ đầu và chúng tôi ủng hộ việc hồi hương cho họ. Bởi Libi thực sự không phải là một nơi an toàn cho người tị nạn và người di cư. Một lần nữa chúng tôi kêu gọi các hành lang nhân đạo để đưa họ rời khỏi Libi”.

Hôm qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã kêu gọi Chính phủ Libya tại Tripoli cải thiện điều kiện sống tại nơi tạm giữ những người di cư bất hợp pháp, kêu gọi các bên Libya ngừng leo thang căng thẳng, hối thúc quốc tế ngừng cấp vũ khí sát thương cho các bên Libya./.