Hơn 1.000 nhà hoạt động thuộc đảng Hồi giáo Jamiat Ulema-i-Pakistan và Liên minh Thương mại Karachi đã tham gia tuần hành hướng về lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Karachi.

Những người tuần hành đã hô vang và giơ cao các khẩu hiệu chỉ trích bộ phim chống Hồi giáo. Nhiều người đã xé cờ Mỹ và đốt hình nộm của Tổng thống Mỹ B.Obama. Liên minh Thương mại Karachi thậm chí còn treo giải hơn 500.000 USD cho ai sát hại được nhà sản xuất bộ phim. Cảnh sát đã phải phong tỏa các ngả đường dẫn đến khu vực lãnh sứ quán Mỹ. 

bieu-tin-chong-my-o-paki.jpg
Làn sóng biểu tình chống Mỹ tại Pakistan đang lan rộng (Ảnh: Tân Hoa xã)

Cùng ngày, nội các Pakistan đã lên án bộ phim và khẳng định bộ phim đã làm tổn thương tình cảm tôn giáo của những người Hồi giáo trên khắp thế giới. Nội các Pakistan cũng quyết định triệu Đại sứ Mỹ tại Pakistan tới Bộ Ngoại giao để bày tỏ sự lên án mạnh mẽ của Pakistan đối với bộ phim này.

Tại Pakistan, vào thời điểm này, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều rào chắn barie được dựng lên tại các con đường dẫn tới các tòa nhà ngoại giao Mỹ ở các thành phố Lahore, Karachi và Peshawar.

Thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Islamabad trước đó 1 ngày cho biết, các lãnh sự quán và phái bộ ngoại giao của Mỹ tại Pakistan đã phải đóng cửa do lo ngại về an ninh.

Chính quyền của Tổng thống Obama dù đã chỉ trích bộ phim là “đáng chê trách”, song cũng cho rằng không thể ngăn cấm quyền tự do ngôn luận được quy định trong Hiến pháp của Mỹ.

Còn tại Iraq, 500 người ngày 19/9 cũng tuần hành trong ngày lễ thánh Sina tại thành phố Kerbala để phản đối bộ phim, kêu gọi trục xuất đại sứ và đóng cửa Đại sứ quán Mỹ tại Iraq.

Nhiều lãnh đạo bộ tộc và quan chức địa phương cũng có mặt trong dòng người biểu tình.

Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki trong một tuyên bố đã gọi bộ phim là có tính xúc phạm và phân biệt chủng tộc, song cũng kêu gọi người hồi giáo không nên hành động bạo lực.

Ngay sau khi bộ phim mang tên “Phiên tòa xét xử Mohammed”, do thành viên cộng đồng Thiên chúa giáo Ai Cập sống lưu vong tại Mỹ sản xuất, được phán tán trên mạng Internet, làn sóng biểu tình chống Mỹ đã lan rộng ra 20 quốc gia ở Trung Đông, Bắc Phi và cả Nam Á, gây không ít thương vong. Không chỉ Đại sứ quán Mỹ, Đại sứ quán nhiều nước phương Tây và các doanh nghiệp cũng trở thành mục tiêu tấn công của người biểu tình./.